Chủ Nhật, 23 tháng 12, 2007

Cảm tác

Vô tình hay số phận
Lại ở gần cố nhân
Nghe ru hời man mác
Nghe lòng mình bâng khuâng

Mừng cố nhân hạnh phúc
Mừng vuông tròn mẹ con
Mừng bạn mừng mình nhỉ
Hoá ra trái đất tròn!

Mỗi người một ngã rẽ
Ta nhớ mái nhà xưa
Đường dài xa xôi thế
Về thôi, chung nắng mưa!
T.H.N

Thứ Hai, 10 tháng 12, 2007

Quẩn quanh chẳng biết làm gì...

Hai hôm nay ra Hà Nội, quẩn quanh chẳng biết làm gì, chú em lớp trưởng thông báo ra gấp, còn chú thì tếch về nhà hú hí với vợ con. Biết cơ sự thế này, mình ở nhà thêm vài hôm thì cũng đỡ đần thêm được cho anh chăm mẹ và vợ cũng yên tâm hơn.
Qua nhà D. giúp nó cho thằng con đi học vì oshin con ốm chưa lên! Ở nhà D. không hút thuốc được, coi như có điều kiện giảm thuốc. Thôi thì....làm bảo mẫu bất đắc dĩ vậy!
Nhân có điều kiện lên net, vào đọc thông tin trên blog của mấy bác nhà văn! Thật chán khi lại là cái chuyện nhặng xị vào Hội không được bầu! Lại có những kẻ hể hả, ngậm máu phun người làm mình phát chán các ông mang danh nhà văn: thơ văn gì mà rặn ra tình cảm yêu nước, đọc cái quái gì cũng xúc động rưng rưng, ham hố danh hờ, ghét nhau như chó mà lại cứ lên giọng cao đạo...Ôi trời là cái tương lai của văn học nước nhà! Các vị mạo danh văn chương để chẳng qua tôn cái tôi to đùng của các vị lên mà thôi! Chán ngấy các tuyên ngôn vung vít của các vị rồi!
Nhớ một câu thơ của Đồng Đức Bốn:
Trở về với Mẹ ta thôi!


Thứ Sáu, 7 tháng 12, 2007

Tạm biệt Mẹ, con đi...





Hôm nay ra chào Mẹ rồi về chuẩn bị đồ. Mẹ tỉnh táo hơn, và nghe được mình chào! Nhẹ nhõm bớt nỗi lo.

Những ngày qua có thể nói là một sự thần kỳ, khi những đơn thuốc của Cha đã cứu được Mẹ ra khỏi cơn nguy kịch. Hai ngày hôm nay, không cần sử dụng ô xy mà Mẹ vẫn tỉnh táo, thậm chí còn cử động chân tay rất tốt. LẠi sợ Mẹ tỉnh quá, cứ đòi rứt ống thông tiểu vì như Mẹ nói: Xót lắm! Mừng nhất là khi các cháu lần lượt vào chào bà: cháu chào bà nội!, bà cũng nói lại: bà nội chào cháu! Hy vọng với đà tiến triển tốt này, Mẹ sẽ bình phục! Thần diệu nhất là thuốc Bắc còn làm lui hẳn trạng thái phù não khiến Mẹ bị liệt tay chân, thụt lưỡi mà khi chụp CT các bác sĩ Tây y đều lắc đầu bó tay. Hy vọng khi có thời gian, mình sẽ tiếp nhận di sản của Ông Nội như Cha, để có thể có ngày sử dụng, không làm mai một những thần phương được cha ông truyền lại.

Mai ra Hà Nội, gió mùa đông bắc lại về. Mong Mẹ được chăm sóc tốt, đừng có biến chứng xấu.
Bà xã cũng tạm ổn vết mổ, vết thương bây giờ chắc cần phải tĩnh dưỡng, chỉ mong con biết lo cho mẹ nó, biết yêu thương quan tâm đến mẹ! Biết là khó vì con đang độ tuổi lớn, còn quá dại để hiểu được: Mẹ là chỗ dựa tinh thần, là sự chở che tuyệt đối cho con.

Chào Quy Nhơn!

Thứ Tư, 28 tháng 11, 2007

Thứ Hai, 26 tháng 11, 2007

Thời thơ ấu


Chụp ngày 1.6.73 cùng anh! Cu con nào dễ thương quá!

Hôm nay, chụp lại hình ảnh cũ vào di động, lưu lại kỷ niệm thời thơ ấu của mình! Thêm một số hình bằng máy KTS của cha

Thứ Tư, 21 tháng 11, 2007

Những ngày về nhà


Trông mẹ, thử ngắm lại dung nhan! Thấy cũng...tạm!

Một số hình ảnh trong ngày về thăm mẹ. Những khoảnh khắc khó khăn và bối rối nhất của mình. mong sau cơn mưa trời lại sáng...

Thứ Sáu, 9 tháng 11, 2007

Ngày Mẹ ở Bệnh viện thành phố




Hình ảnh Mẹ do anh quay, khi điều trị tại bệnh viện thành phố. Chỉ mong Mẹ khoẻ lại thôi, không nghĩ gì được hơn!

Mẹ ở bệnh viện thành phố




Ngày Mẹ mới bị bệnh, đã có lúc hồi phục, anh đã ghi hình Mẹ được chị chăm tại bệnh viện thành phố...

Thứ Năm, 4 tháng 10, 2007

Bạn bè và KTX




Hình ảnh chụp chơi sau sự kiện 2 điện thoại ra đi, chụp bằng N.6230 của bạn cho mượn.
Thêm hình ảnh thạc sĩ đầu tiên của phòng 413 - Nguyễn Đức Tú - Sinh k.15

Thứ Năm, 27 tháng 9, 2007

SỐ PHẬN NHÀ THƠ

Khi một nhà thơ nằm xuống

Có ai hay

ngoài những giọt nước mắt

của bạn bè văn nghệ?

Tổ dân phố đến đọc lời đưa tiễn một con người

Nhà thơ đi

Và thơ ở lại

Tiếp tục hành trình sướng khổ buồn vui…

II

Số phận nhà thơ Việt Nam

thời in thơ tự bỏ tiền túi

mua chút sang trọng được biếu thơ

cho những kẻ không bao giờ đọc thơ

Thơ không để bán

Vì không bán được thơ…

III

Đến những nơi các nhà thơ yên nghỉ

Thấy cỏ mọc vàng mộ chí

Bia mờ không ai quét lại vôi

Chỉ có những người yêu thơ lặng lẽ đến

Mộ nhà thơ nhân dân

Luôn nghi ngút khói hương…

20.9.2007

Thứ Sáu, 14 tháng 9, 2007

Nhà ta!

Trưa nay ăn phở cho nhẹ ruột,ăn xong vào net thì nhận được tin nhắn của bà xã. Trưa nay mẹ con xúm xít quây quần với những món khoái khẩu mà khi ở nhà mình thích ăn. Tự dưng nhớ nhà cồn cào.
Ở ký túc xá được mấy ngày rồi, chưa có gì để gọi là cảm xúc ký túc. Có lẽ cả tuần vất vưởng, ăn cơm quán tiêu tiền như phá thì cần thời gian nghỉ ngơi bình tâm lại. Ngực phải nhức, có lẽ do dâythần kinh cổ chèn. Chắc mình cũng giống bệnh bà xã, mà bị như thế là muộn.
Ở nhà quen sinh hoạt qui củ, ra Hà Nội thấy mình có chút lạc lõng hơn. Bắt đầu hiểu kỹ gơn về nếp sinh hoạt Thủ đô. Buổi sáng hầu như lãng phí cho giấc ngủ nếu không đi học! Có đi học thì đầu óc cũng lơ mơ. Chuẩn bị thời gian tới phải tìm những người đam mê văn để cùng rủ nhau đi thư việncho đỡ lười. Một mình mãi, bâygiờ sinh tật thích tùng tam tụ ngũ, nhưng cứ đàn đúm nhậu nhẹt thì chỉcó bê tha con người mình đi mà thôi!
Cảm giác mệt mỏi cứ thường trực. Bà xã cứ mà lo hão nhé! Ghét thế! "Các em ngoài này nó đa tình lắm bác ạ!" - chú Ma Tuấn đã cảnh báo thế! Ối giời, có đa tình nữa thì bác cũng mặc xác!

Thứ Tư, 12 tháng 9, 2007

Mẹ


Mẹ ơi! Ngắm hình mẹ cười tươi như thế này, con không thể hình dung được giờ phút này mẹ lại đang thiêm thiếp trên giường bệnh. Hôm trước mẹ đã khoẻ lại rồi cơ mà! Con bất lực khi không được tự tay chăm sóc mẹ vào giờ phút này.
Con tin: mẹ hiền lành, phúc hậu thì không có bệnh tật nào quật ngã được mẹ. Mẹ còn phải khoẻ mạnh để con yên tâm học tốt, báo về cho mẹ mừng chứ!
Mẹ có nghe được nỗi lòng con không?

Chủ Nhật, 2 tháng 9, 2007

Cầu nguyện

Con xa mẹ cả ngàn cây số
Nghe mẹ đau chẳng thể về thăm
Đường thăm thẳm nỗi lo thăm thẳm
Mẹ ơi, xin hai chữ an bằng!

Xin cầu nguyện mẹ mau khỏe lại
Con sẽ về mẹ sẽ cười vui
Tiễn chị vào đường còn xa ngái
Đất khách con lẻ bước ngậm ngùi

Chị sẽ thay con chăm sóc mẹ
Mẹ mẹ ơi, mau chóng bình an
Con bất lực chỉ còn đôi dòng chữ
Gửi về lòng thương mẹ vô vàn!

Thứ Bảy, 1 tháng 9, 2007

Lạy trời cho Mẹ bình an!

Sao lại đột ngột thế hả trời! Mẹ hồi giờ huyết áp thấp mà sao nay lại huyết áp cao, tai biến? Bần thần cả người không biết làm gì nữa! Lạy trời cho mẹ bình an!

Hải phòng




Hình ảnh chụp nhân về giỗ ngoại. Đi chơi Đồ Sơn bằng xe máy với cháu và lang thang cưỡi ngựa xem hoa ở Cảng Hải phòng

Thứ Hai, 30 tháng 7, 2007

Offline LSSF!




Hình chụp học trò trong buổi offline LSSF! hình mình không có (chờ học trò upload lên sau!)

Thứ Ba, 24 tháng 7, 2007

BLUES TRONG MƯA - Thầy Nguyễn Công Thắng

Rồi tôi sẽ trở lại
không hẹn hò không còn ai gọi tên
mưa trắng mù hoài niệm
trắng mù khuôn mặt xa xăm một thời chìm khuất
chỉ còn tôi ngoài hành lang mưa
vòm lá xanh run rẩy

Ai gõ cuồng điên những nhịp buồn
mưa tạt qua khoảng trống lạnh lùng bỏ lại
bông hoa nào vùi quên
cánh cửa mở ra hờ hững
mưa - tôi nhớ gì trong mưa
phố cũ lênh đênh trôi giạt
những bóng hình thoáng qua những quãng đời trôi xa nụ cười lung linh tan vỡ

Mưa
ướt đẫm tôi những cắt chia những lòng tẻ lạnh
mưa - cứ mãi mưa những cuộc lìa xa
tôi băng qua dưới trời vần vũ
băng qua ray rứt nhớ và quên
quên    quên
như không còn ai gọi tên ngoài mưa mù
bàng hoàng tê buốt.
N.C.T

Chủ Nhật, 15 tháng 7, 2007

Thứ Sáu, 13 tháng 7, 2007

Bâng khuâng BLUES TRONG MƯA!


Tự dưng nhớ lời bài thơ của thầy Nguyễn Công Thắng - viết trên tập san TRANG VIẾT TUỔI 20 của Khoa Văn khi mình đang là sinh viên năm thứ Ba:

Rồi tôi sẽ trở lại
Không hẹn hò, không còn ai gọi tên
một thời chìm khuất
Chỉ còn tôi ngoài hành lang mưa
vòm lá xanh run rẩy
Ai gõ cuồng điên những nhịp buồn
Giọt mưa sa, khoảng trống lạnh lùng bỏ lại...
Ngày ấy, thoáng chốc đã qua, để một thế hệ nữa đang lớn lên.
Năm nay, sẽ kỷ niệm 30 năm thành lập Đại học Sư phạm Quy Nhơn. Ngày đó, khoá 9 của  mình có 15 "nhà thơ" trên tổng số 45 tác giả tham gia tập san! Bây giờ, đi ngang trường cũ, vào đó chắc may lắm mới có một ai đó quen!
Vả lại, tự dưng mình bỏ ra tuốt tận Hà nội học Cao học, mấy thầy không nói ra nhưng cũng buồn lắm chứ! Ít ra, bây giờ các thầy cũ của mình đều đã lên tiến sĩ (redundant doctorable). Ngày trước giá như cho đi học sớm 3 năm thì bây giờ cũng xong nợ! Khổ nỗi có ai cho đi đâu? Thế nên bây giờ trở về, có ai hẹn hò, có ai gọi tên không nhỉ? Điểm lại, học trò cũ ở Trưng Vương nối nghiệp dạy Văn cũng nhiều, âu cũng là hạnh phúc.
Không biết kỷ niệm 30 năm thành lập trường lúc nào? Chẳng thấy có một dòng thông tin gì cả! Cũng chẳng mấy chốc mà lại họp mặt khoá 9 nữa rồi! Bà con khoá 9 năm nay được thêm một Hoài Hà cũng xong thạc sĩ, Thu Hà cũng sắp xong! hồng Hạnh thì đã là bà Tiến sĩ sang trọng của trường ĐHKHXH và NV thành phố rồi! Ôi, chả mấy chốc rồi loạn các ...sĩ ngành giáo!
Đi ngang trường, thấy trường to ra, và hình như quan hệ thầy trò cũng kém thân thiết hơn! Nghe nói bạn mình ở Quảng Ngãi sắp vào, lại cùng nhau ôn những kỷ niệm của một thời oanh liệt. Oanh ngừng tiếng hót, chắc còn Liệt mà thôi!
Rồi tôi sẽ trở lại...

Thứ Hai, 9 tháng 7, 2007

Ba mươi năm rồi còn mãi ra đi!

Tối qua gặp người bạn ngoisaoblog.com HoaLe. Đã lâu lắm rồi mới có cuộc uống nhiều mà vui đến thế, ngồi cùng anh bạn lái xe tên Chiến. Trò chuyện về những kỷ niệm tuổi thơ. Và chợt nhớ ra: đã 30 năm tròn ta chưa về lại nơi ta sinh ra và lớn lên! 1977 quay về thăm mẹ lúc đó còn ở với anh ngoài Bắc, đến nay đã 30 năm rồi! 
Còn nhớ: khi quay lại quê mẹ, trong giờ phút lên xe về Hà Nội, sương trắng giăng đầy làm lòng nao nao. Để lòng mình sến hẳn! Mà có sến không: sương trắng rơi vai tôi ướt lạnh mềm! Đúng là tâm trạng khi "chiều nay con về quê ngoại xưa"! Mà vẫn chưa dám về nơi ta có một quãng đời ấu thơ tuyệt đẹp. Vì sợ chạm mặt nỗi cô đơn của chính mình.
Có còn chăng những bạn bè ngày ấy? Mà ta chắc chắn đã không còn nhớ mặt ai! Cô giáo lớp 1 hiền từ, cưng đứa học trò đọc bài diễn cảm, học giỏi nhất lớp, có còn không? Anh Thanh về cuối năm trước, bảo: sông Nhuệ hồi xưa với mình rộng thế, bây giờ nhìn lại như cái rãnh con. Hồi ấy anh dẫn em ra sông Nhuệ xem anh băng ngang qua sông, thằng nhỏ 6 tuổi là mình mắt tròn mắt dẹt thán phục. Rồi những ngày theo anh lang thang khắp những cánh đồng, bắt cào cào châu chấu bỏ vào chai, ăn trộm lúa đòng đòng mút sữa, bị bảo nông HTX đuổi, anh cõng em chạy trối chết. Còn không quãng mương trước nhà, thỉnh thoảng ta lại đi câu cá, nơi ta bị đám trẻ làng Đơ trấn lột mất cái vó con năm nào!
Bao nhiêu kỷ niệm, liệu mình có giống như anh chàng Chiến kể: quần cộc, đạp xe lên trên động cát, ngó xuống quê, trầm ngâm hút thuốc, lòng muốn làm thơ mà không được! Ôi tuổi thơ!
Ta lại muốn trở thành em nhỏ
Để được về tắm bóng dừa xanh
Chơi núi và tung tăng bãi cỏ
Hay thả hồn theo sóng mông mênh?
                   (G.G. Byron)
Mà sóng thì ở Quy Nhơn cơ mà? Ta còn nhớ sóng lúa, hương đồng, nhớ mãi Hà Tây quê lụa: Hà Tây, cửa ngõ thủ đô, áo giáp chở che ngàn năm bền vững... Ra Hà Nội bấy lâu, mà chưa một lần về lại Hà Tây. Tệ thật! Kỳ này ra sẽ về đối diện với tuổi thơ của mình, đối diện với ký ức xa mờ của một thời chìm khuất!

Thứ Sáu, 6 tháng 7, 2007

Thư viện online

Hôm nay khám phá một kho thư viện nữa, để làm nhức thêm con mắt bên phải, đỏ con mắt bên trái. hôm trước thì khám phá một loạt tác phẩm trước 75 ở miền Nam làm tư liệu nghiên cứu: Phạm Công Thiện, Nguyên Sa. Nay lạighi danh vào http://thuvien-ebook.com .Nói chung là đọc sách trên mạng cũng có cái thú riêng!!!

Thứ Năm, 5 tháng 7, 2007

Về quê vợ




Hình ảnh chụp bằng nokia 6020 do photo NamTran và Tiểu Tử Tà thực hiện

Thứ Ba, 26 tháng 6, 2007

Sinh nhật Cha

Start:     Aug 8, '07 2:00p

Diễn Đàn trường Chuyên Lê Quý Đôn - Quy Nhơn - Bình Định

http://www.ddhsonline.com
Trang diễn đàn của học sinh trường THPT chuyên Lê Quý Đôn Bình Định

Sinh nhật Thiên Lương

Start:     Jul 15, '07 01:00a
End:     Jul 15, '07 12:00p

Sinh nhật Cha 8.8.2006




Phim sinh nhật Cha năm ngoái - Cameraman: NamTran

Cha tôi




Người đã ảnh hưởng rất nhiều đến tính cách của tôi. Người đã rất nghiêm khắc và chuẩn mực để tôi tự răn mình!

Thứ Tư, 20 tháng 6, 2007

Come back to my family!

Mượn lời bài hát COME BACK TO SORIENTO: Về đây khi mái tóc còn xanh xanh... chợt thấy mình vô duyên với câu hát lạ! Vì từ 6.10 ra Hà Nội, giờ trở về "tóc bạc thêm mấy phần" nhưng béo đen như Lý Quỳ! Cũng may là sống với chú em Trọng theo kiểu lính, ngày ngày đều đều hai bữa cơm, thỉnh thoảng ăn cơm nguội! Cũng may là có nước mắm quê hương nhiều đạm, nuôi ta béo tốt từng ngày!
Về nhà thấy cu con bợm hơn trước, cu lớn chững chạc hơn! Và vợ thì mừng tíu tít! mới hay nhà là chốn bình yên!
Về nhà mới thấy ta mất đi thói quen cũ: ăn cơm xem ti vi!
Về nhà, thấy trời nóng hơn nhưng dễ chịu hơn không khí ở Hà Nội. Từ lúc qua đèo Hải Vân, tự dưng mũi không còn sụt sịt. Hình như mình chỉ cần ngửi không khí quê biển là thấy khoẻ hơn mấy phần. Mới thấy hôm trước cãi GS. Nguyễn Đăng Mạnh là đúng: thầy bảo Xuân Diệu cứ khen gió nồm Quy Nhơn, còn thầy thấy thường thôi! Mình bảo ngay: Xuân Diệu nói đúng, không sai, Quy Nhơn nóng nhưng có gió biển làm dịu hẳn, người không nhớp nháp mồ hôi như đất Hà Nội hay Sài Gòn. Ừ! Có ở biển lâu mới cảm nhận hết hương vị biển!
Về nhà, chợt lẩm nhẩm hát: Ôm lòng đêm, nhìn vầng trăng mới về, nhớ chân giang hồ... Tối qua, trên tàu nhìn xuyên màn đêm, thấy vầng trăng lá lan mồng 5 mong manh nơi cuối trời...

Thứ Tư, 6 tháng 6, 2007

Đi chơi hồ Tây


Thử tay nghề chụp nước

Một chiều đi chơi hồ Tây sau bao ngày ra Hà Nội

Thứ Hai, 4 tháng 6, 2007

Ở trọ


Hoa ngày sinh nhật. Bây giờ có bình thì tha hồ mà mua hoa về cắm (trừ ngày lễ)

Con chim ở trọ cành tre, con cá ở trọ bên khe nước đầy. Ông Nam cũng trọ như ai. Post hình lên cũng thấy oai quá trời (hơ! ho ra thơ thở ra văn!)

Thứ Hai, 28 tháng 5, 2007

Thứ Bảy, 12 tháng 5, 2007

Cha con Lão Tà




Ba đứa Tà: Tà cha, Tà anh và Tiểu tử Tà

Mẹ tôi




Người đã hy sinh cả đời và đang lo lắng cho tôi từng ngày

Ngày của Mẹ

Lâu lâu lắm mới được về thăm Mẹ
Mẹ của con tuổi sắp tám mươi rồi!
Dù đi đâu tận chân trời góc bể
Con vẫn là thằng Út của Mẹ thôi!

Ngày của Mẹ bao lời con muốn nói
Vẫn thầm mong Mẹ khoẻ mạnh tươi vui
Con ngàn dặm quyết không làm buồn Mẹ
Không bao giờ sa ngã cạm bẫy đời!

Con yêu Mẹ !
Mẹ yêu ơi con biết
Mình muôn đời vẫn chỉ trẻ con thôi
Trong mắt Mẹ con bao giờ cũng thế
Nên Mẹ luôn tha thứ nếu con sai!

Hà Nội vẫn đang chuyển mùa nóng lạnh
Quy Nhơn mùa mưa đã đến rồi
Mẹ một mình, con một mình, xa ngái
Một lòng Thương luôn bên Mẹ muôn đời.

Thứ Sáu, 11 tháng 5, 2007

Kỷ niệm Thâm Tâm

 


 Ngày 12 tháng 5 là kỷ niệm 90 năm ngày sinh của nhà thơ Thâm Tâm. Bóc tờ lịch, nhìn lên mà giật mình! Thâm Tâm theo tôi hiểu như thế nào?


Thâm Tâm Nguyễn Tuấn Trình (1917 -1950) tuy chỉ 34 tuổi ta, nhưng ông đã kịp sống trọn với thời đại của mình bằng những vần thơ mang theo nỗi niềm của cả một thế hệ. Tôi nhớ cảm giác khi đọc những câu thơ Thâm Tâm trong Tống biệt hành  in trong Thi nhân Việt Nam, rợn hết người vì giọng thơ mang âm hưởng bi thiết biết bao!


Đưa người ta không đưa qua sông


Sao có tiếng sóng ở trong lòng ?


Cái khẩu khí của một lớp thanh niên trước Cách mạng tháng Tám ấy mà Thâm Tâm là tiêu biểu cho tôi biết rằng ngày ấy lớp cha anh sống mạnh mẽ biết bao và cũng đau đớn biết bao! Sách vở nhà trường thời chúng tôi học chỉ có những bài thơ Tố Hữu tràn đầy tinh thần lạc quan cách mạng, thế hệ học trò sau này biết thêm những nỗi lòng con người tiểu tư sản thành thị, lãng mạn không chỉ trong cái giọng điệu đắm đuối yêu đương thương hoa tiếc ngọc mà còn bừng bừng khí thế quyết ra đi làm một cái gì đó lớn lao hơn cho cuộc đời mình. Dù cho bừng bừng lúc ấy rồi sau này đành trở thành “tiếng thở dài chống chế độ thuộc địa” nhưng ít ra giọng thơ Thâm Tâm cũng đem lại một nét riêng của một nhóm nhà thơ - những người bạn Cống Trắng Khâm Thiên: Nguyễn Bính, Trần Huyền Trân, Thâm Tâm. Đó là những người bạn chìm trong men sầu mà vẫn khát khao làm một điều gì lớn hơn cho cuộc sống quẩn quanh bế tắc của mình, để rồi “nhớ nhau vẩy bút làm mưa gió”:


Các anh hãy chuốc thật say


Cho tôi những cốc rượu đầy rồi im


Giờ hình như quá nửa đêm


Lòng đau đau lại con tim cuối mùa


Hơi đàn buồn như trời mưa


Các anh tắt nốt âm thừa đi thôi…


(Các anh – Thâm Tâm)


Khi giảng bài về Thâm Tâm, tôi lại có dịp tiếp xúc hàng loạt những tác phẩm khác trong một tuyển thơ mỏng manh mà chất chứa bao ngột ngạt bức bối. Tôi hình dung một Thâm Tâm bên trong cái kiêu hùng là con người giàu cảm xúc, bên trong cái “tâm tình lạnh nhạt” và cái tư thế ra đi “không bao giờ nói trở lại” lại là con người nặng tình. Bài thơ cuối cùng của Thâm Tâm viết trong kháng chiến chống Pháp thật đằm thắm “mối tình Việt Bắc”. Bởi thế, trong mạch khai thác cái tôi trữ tình của tác giả, tôi hoàn toàn không đồng tình với một ý giải thích thô vụng trong sách giáo khoa về Tống biệt hành là để “tiễn một người bạn lên chiến khu” - một lối giải thích không giúp ích cho việc khám phá văn bản mà tạo điều kiện cho người ta tán dương tinh thần cách mạng, ý chí chiến sĩ - yếu tố chiếm địa vị thứ yếu trong bài thơ. Trước sau, trong bài thơ vẫn hiện lên chân dung con người lãng mạn đích thực, con người của những xung đột nội tâm giằng xé!


Hiểu Thâm Tâm còn nhiều hướng tiếp cận khác. Nhưng tôi cứ ám ảnh 2 câu thơ trong Vọng nhân hành viết 4 năm sau bài thơ Tống biệt hành, như một nối tiếp tâm trạng và chính là cách cắt nghĩa đầy đủ hơn hình tượng “ly khách” trong bài thơ:


Sông Hồng chẳng phải xưa sông Dịch


Ta ghét hoài câu “nhất khứ hề…”


(Vọng nhân hành - Thâm Tâm)


 Chín mươi năm ngày sinh chỉ là  một mốc thời gian kỷ niệm về một người vào cuộc tống -biệt quá sớm, để giờ đây chúng ta lại có dịp ngâm lên khúc Vọng-Nhân Hành!


Trần Hà Nam

Một quyết tâm mới chăng?

Dạo này mình cứ ra sao ấy! Sức khoẻ kém hẳn, phá sức một ngày đầu tiên ra Hà nội, chào mừng ngày tái ngộ ghê quá! Chẳng giống một lão sinh viên mà cứ ngỡ mình như thời sung sức nhất. Phổi có tiếng thở khò khè, nhịp tim có dấu hiệu rối loạn! Loạn nhịp tim. Ôi trời!


Chẳng tử tế gì khi khiến những người thân yêu phải lo lắng. Nên đã quyết tâm giảm thuốc lá rồi nếu được thì bỏ hẳn. Nhưng chả biết đây là lần quyết tâm thứ mấy nữa! Hồi xưa, lão huynh Tiếp bảo là : chú mày làm sao bỏ thuốc được. Dạy văn như chú mày thì chỉ có hút tăng thêm mà thôi! Hồi gần trưa, gặp Dũng cũng công bố chuyện bỏ thuốc, nó cũng cười ngất và bảo: mày làm sao mà bỏ thuốc được! Hừ, kỳ này thử xem mình quyết tâm đến đâu, vậy mà quyết tâm này coi bộ bà con không khoái! Nghĩ lại mình, bắt đầu biết hút thuốc từ cuối năm thứ nhất Đại học, 6 tháng sau thành cao thủ thuốc rê. Đến giờ, bạn bè bỏ thuốc nhiều, còn mỗi mình bướng bỉnh.


Nhưng từ bỏ một thói quen xấu thì cũng không phải là không được: này nhé, hồi xưa học trò phát sợ khi 1 tiết thầy hút thông từ 3 - 4 điếu thuốc. Còn bây giờ, lên lớp thì không hút thuốc (có điều, mỗi tiết giải lao 5 phút là lại đốt 1 điếu rồi vào giảng). Nghe cấm thuốc 31.1 ở ĐHSP, đã mừng mừng vì làm tăng quyết tâm của mình, ai dè các giáo sư còn hút thuốc ác liệt hơn trò (thầy Cư dạy Triết còn triết luôn: cậu nào hút thuốc giống tôi đều...thông minh! Đểu thế!)


Vậy ai sẽ giúp ta trong đợt hạ quyết tâm này? Hừ, nhưng mỗi khi buồn thì lại muốn tìm đến với thuốc lá, hút một điếu, năng ngực nhưng nhẹ lòng hơn! Có lẽ phải như xây dựng CNXH, phải kinh qua nhiều giai đoạn, thời kỳ quá độ thì cố gắng thúc đẩy nhanh! Có thành công không nhỉ?

Thứ Sáu, 4 tháng 5, 2007

Ngày nhàn post thơ bạn

Nhân đang nhàn rỗi, đọc lại thơ bạn bè chiến hữu, post lên mấy bài để ra Hà Nội đọc lại:
TRẦN VIẾT DŨNG - tập thơ LÃNG ĐÃNG GIỮA ĐỜI
BẮT ĐẦU
bắt đầu bàn tay nâng trái cấm
loài người từ đó biết khổ đau

bắt đầu từ một ngày vỡ giọng
chú dế buồn tiếng hát gửi về đâu?

bắt đầu từ mặt-trời-môi-đỏ
đọng lại thành nỗi nhớ đêm sâu

bắt đầu từ mắt em đắm đuối
trăm năm sau tưởng tiếc nụ hôn đầu

bắt đầu tiếng thủy tinh chạm cốc
nghe chia ly bè bạn cuối con tàu

ngõ hạnh tôi em bắt đầu bước lại
cây đau thương cũng từ đó...bắt đầu
T.V.D
MỘT NỬA
Nửa đời người mới gặp người
Nở trên môi nửa nụ cười. Buồn ơi.
Những câu thưa nhắn nửa vời
Nửa vòng tay mở đón mời lại buông
Trái tim một nửa ghen hờn
Nửa vầng trăng Ngọc trong cơn khát thèm
Nửa hồn sa lưới êm đềm
Nửa ngày ngơ ngẩn, nửa đêm mơ màng
Bài thơ một nửa lạc vần
Nhuộm lên mái tóc nửa phần thôi xanh
Nửa thiên thần ở trong anh
Giấu che nửa quỉ Sa-tan cùng người.
T.V.D
Tiếp tục bài thơ chính xác trong tập Rượu đắng của Nguyễn Thanh Mừng:
MẶC TRÚC VÀNG ĐỔ LÁ SUỐT TRĂM NĂM
Em cứ đi đi
như con sóc bông giã từ rừng trúc
đám cây triết nhân kia nào hiểu nổi mình

Em cứ đi nhẹ nhàng đừng ái ngại
người trai đa cảm và thông minh của em đã chết thật rồi
đã chết tựa dòng sông mùa hạ
còn dấu hằn trên mặt cát bỏng sôi

Em đừng nhắc cái thời người ấy sống
tay phàm trần người ấy hái đào tiên
người ấy yêu phóng cuồng và bụi bặm
rượu tràn bầu mây nước cũng lên men

Những ghen tuông, những lỗi lầm, tha thứ
với ngày mai rồi có nghĩa gì đâu
chỉ còn lại một hồi chuông cảnh báo
sống hết mình chưa dễ nhận ra nhau

Em cứ đi kiêu kỳ thời trinh nữ
mặc tóc bay vướng nát cả trăng rằm
mặc trái rụng mặc bãi bờ vật vã
mặc trúc vàng đổ lá suốt trăm năm
N.T.M


Về với biển




Một trưa lang thang cùng anh ruột

Thứ Hai, 30 tháng 4, 2007

Bình thơ: CHUỖI CƯỜM THI CA của Thanh Thảo

CHUỖI CƯỜM


Từ ô cửa sổ nhìn ra


Tôi thấy cô gái, ngôi nhà, cái cây


Ngôi nhà vôi gạch đang xây


Cô gái đang lớn, cái cây chưa già


Từ ô cửa sổ nhìn ra


Thời gian khi ấy mượt mà tóc xanh


Tôi hay nghĩ điều chưa thành


Những màu sắc lạ thoáng nhanh trong đầu


Tôi hay xâu chuỗi vào nhau


Những chữ rời rạc như xâu hạt cườm


Có khi dùng sợi chỉ thường


Có khi là một chuỗi cườm không dây


 


Nhìn ra từ cửa sổ này


Tôi thấy cô  gái, cái cây, ngôi nhà…


1984


THANH THẢO


(Tuyển tập thơ tình lục bát Việt Nam, NXB Văn hoá 1994)


Đọc bài thơ tưởng chừng như không có gì của Thanh Thảo, tôi bỗng có một ý nghĩ ngộ ngộ trong đầu: ông nhà thơ này quái lắm, định làm một trò ru-bic kiểu phôn-cờ-lo đây! Này nhé, ca dao chả đã có con kiến lòng vòng ư:


Con kiến mà leo cành đa


Leo phải cành cụt leo ra leo vào


Con kiến mà leo cành đào


Leo phải cành cụt leo vào leo ra…


Cái CHUỖI CƯỜM thơ của Thanh Thảo mở khép theo một kết cấu vòng lặp như vậy, nhưng không phải là cái vòng luẩn quẩn của chữ nghĩa hay chỉ đơn thuần tạo một xâu chuỗi hình ảnh, sự kiện cho phù hợp với tên gọi của bài thơ. Xét cho cùng, làm thơ là để trải những chiêm nghiệm của mình ra trướccuộc đời, chưng cất lại tất thảy những gì tai nghe, mắt thấy. Thanh Thảo có nói đến các chất liệu để kết dính bài thơ này của anh gồm: chỗ đứng từ ô cửa sổ, cô gái – ngôi nhà – cái cây và cái “tôi thấy” của anh. Và không như các thợ xây chuyên nghiệp hì hục trộn vữa để kết dính, anh tạo bài thơ theo cách của mình. Anh có phạm nguyên tắc làm thơ “mạch kỵ lộ” chăng? Ai lại huỵch toẹt ra một cách chẳng-có-gì-là-thơ như thế:


Tôi hay xâu chuỗi vào nhau


Những chữ rời rạc như xâu hạt cườm


Có khi dùng sợi chỉ thường


Có khi là một chuỗi cườm không dây


Nhưng tôi lại nghĩ anh đang phát biểu quan niệm của mình về thi ca, về công việc sáng tạo của mình. Đơn giản thế thôi! Ấy vậy mà có “kiêu” ngầm, vì xâu chuỗi ai cũng làm được, còn chuỗi cườm không dây thì…chỉ có thơ mới làm được. Thanh Thảo giấu đi một cụm từ anh rất ưa dùng trong cái chuỗi cườm không dây ấy, đó là hai chữ “bùng nổ”. Thanh Thảo hình dung sự bùng nổ thi ca như một bãi mìn, còn đám làm thơ trẻ lau nhau chúng tôi bây giờ thường ví von sức nổ bùng của nguyên tử, của hạch nhân và của tâm linh gì gì nữa. Nhưng xét cho cùng, bao giờ thơ cũng cần một sự bùng nổ, của cảm xúc, của suy tưởng và tối kỵ cái thứ nhàn nhạt không bản sắc. Trong bài thơ này của Thanh Thảo cũng thế, cô gái – ngôi nhà – cái cây là nguyên cớ để hình thành tứ cho nhà thơ. Cái tứ về con người - cuộc sống – thiên nhiên, cái tứ về thời gian luôn là một nỗi ám ảnh của các nhà thơ. Và Thanh Thảo còn đi xa hơn:


…Thời gian khi ấy mượt mà tóc xanh


Tôi hay nghĩ điều chưa thành


Những màu sắc lạ thoáng nhanh trong đầu


Phải chăng đó cũng là điều Thanh Thảo suy ngẫm từ “những điều trông thấy”? Những vẻ đẹp cuộc sống, dưới con mắt nhà thơ, bao giờ cũng lung linh hơn.  Chỉ cần  một “ô cửa sổ”  để nhìn ra cuộc sống, và lắng nghe, và cảm nhận. Có lẽ Thanh Thảo muốn đưa đến một thông điệp: đừng hững hờ với những gì xung quanh bạn, lúc ấy thơ sẽ đến, không cần phải màu mè.


Kết của bài thơ như một sự bỏ lửng, để người đọc tiếp tục những suy tư sau điều tôi thấy của nhà thơ. Riêng tôi, cứ vương vít mãi âm điệu lục bát để chuyển tải sự hiện hữu của thi ca giữa đời thường của nhà thơ. Sợi chỉ thường ấy đã xâu chuỗi thành bao hạt cườm lung linh màu sắc, dường như đó cũng là một chuỗi cườm không dây!


                                                                        1999 – 2007

                                                                                     Trần Hà Nam

KẺ TÌNH SI QUÊN THỜI ĐẠI

Nguyễn Thanh Mừng vốn là kẻ nặng lòng với những vẻ đẹp quá khứ. Trong một lần cầm viên gạch Chàm trên tay, khẽ gõ vào, anh chợt nghe vọng về câu chuyện của nàng công chúa Huyền Trân và vị vua anh hùng Chiêm quốc Chế Mân. Trong anh, cái ranh giới xưa – nay bỗng nhạt nhoà, cái tôi thi sĩ đã nhập vai vào tráng sĩ Đại Việt thuở nào:


ĐÁM CƯỚI HUYỀN TRÂN


Nghe đồn vua xứ Chà Bàn


Dâng miền Ô, Lý rước nàng vu qui


Tôi mang rượu đến biên thuỳ


Hắt lên mây trắng biệt li, cả cười


 


Thân không tấc đất cắm dùi


Bể sông thi phú, trăng trời phong sương


Cắn răng nhường bậc đế vương


Gươm cùn quẳng xuống vệ đường nhân duyên


 


Thôi nàng hãy tạm nguôi quên


Tôi chàng trai Việt còn trên đời này


Quyết thâu trăm họ về tay


Binh nhung ruổi chốn lưu đày tìm nhau


            (Tuyển tập thơ lục bát Việt Nam)


Bài thơ toàn những câu chữ cũ càng để làm sống dậy cái không khí cổ xưa. Nên khi đọc Đám cưới Huyền Trân, có lúc tôi ngỡ mình đang được tham dự vào một cuộc lên-đồng chữ-nghĩa. Gã họ Nguyễn làm thơ hoá thân để gửi gắm nàng Huyền Trân dăm lời nhắn nhủ mang khẩu khí Đông – A!


Nhưng dũng tướng đời Trần – Thanh Mừng lại mang tâm sự của một kẻ thua thiệt trên tình trường. Dù muốn k iêu bạc bao nhiêu đi chăng nữa, vẫn không tránh khỏi ngậm ngùi. Từ khi “đem rượu đến biên thuỳ” là đã chậm chân, đến lúc “gươm cùn quẳng xuống vệ đường nhân duyên” thì đã chán nản đến cùng cực. Lúc ấy chàng ta giống Nguyễn Bính của thời Thơ Mới:


Chua xót lòng tôi mơ ước mãi


Áo bào nguyệt bạch, ngựa kim ô


            (Một trời quan tái)


Ở nhân vật tôi mà Nguyễn Thanh Mừng nhập vào xác, tôi đoan chắc rằng không có một tí ti hồn của danh tướng Trần Khắc Chung của một thời đại lừng lẫy chiến công. Dù cho chàng ta cố cứng cỏi gương dậy bằng những lời lẽ như tự nhủ:


Thôi nàng hãy tạm nguôi quên


Tôi chàng trai Việt còn trên đời này


Quyết thâu trăm họ về tay


Binh nhung ruổi chốn lưu đày tìm nhau


Tôi chợt chạnh thương Huyền Trân công chúa! Giả sử nàng có một kẻ tình si như vậy, e rằng khi hắn đến tìm, nàng đã hoá thành tro bụi nơi hắn gọi là “chốn lưu đày” rồi! Mà như vậy, e rằng nàng thà làm ma hoàng hậu nước Chiêm còn hạnh phúc hơn!Thử ngẫm mà xem: Dương Quý Phi về tay Đường Minh Hoàng, người tình An Lộ Sơn lập tức dấy binh quyết không chịu “cắn răng nhường bậc đế vương”; Từ Hải cứu Kiều ra khỏi chốn lầu xanh nhơ nhớp đâu cần phải viện đến “binh nhung” nhưng đến lúc trả hận cho Kiều mới cho “ba quân chỉ ngọn cờ đào” rửa sạch oan khổ lưu li cho nàng. Thanh Mừng không học được người xưa nên đã đem vào bóng dáng người xưa cốt cách yếu đuối thi sĩ của mình. Thiết nghĩ, một kẻ có tâm hồn “bể sông thi phú, trăng trời phong sương”, có khí phách kiêu hùng “Tôi chàng trai Việt còn trên đời này” không nên chờ đợi như thế!


Cái đọng lại trong lòng người đọc lại là “đám cưới” và “Huyền Trân” Trớ trêu là chỗ ấy! Vua xứ Chà Bàn - kẻ tình địch đáng ghét kia mới thật si tình làm sao, hào hoa làm sao:


Dâng miền Ô, Lý rước nàng vu qui


Một câu thơ với hai chữ “dâng” và “rước” đã tái hiện cuộc “vu qui” của huyền Trân công chúa thật hoành tráng. Dù cho thân phận của nàng thật bạc bẽo khi được đưa ra làm vật đánh đổi thì giá trị của nàng đã được nâng lên hoàn toàn xứng đáng với hai châu Ô, Lý! Câu thơ đầy trân trọng này của Thanh Mừng thật sự đã tạo được tầm vóc của Huyền Trân công chúa trong lịch sử. Chính vì thế, người đọc cũng mỉm cười mà lượng thứ cho kẻ tự nhận là người tình của nàng để “tìm nhau”.


Bởi, ai nỡ trách một gã làm thơ thả hồn tìm “người trong mộng” của gần bảy trăm năm trước, để tôn vinh một nữ lưu của dân tộc đã đem về hai châu Ô, Lý và đã đi vào dã sử cùng mối tình với danh tướng Khắc Chung.


Công chúa Huyền Trân bỗng đẹp thêm trong mắt của kẻ tình si quên thời đại Nguyễn Thanh Mừng!


                                                                        7.1999 – 4.2007

                                                                        Trần Hà Nam

Thứ Bảy, 28 tháng 4, 2007

Thứ Tư, 25 tháng 4, 2007

Tiểu tử Tà


Ao hè nông choẹt nước lẫn bèo!
Cu Lương câu cá ngó bèo nhèo


Hắn là Trần Hữu Thiên Lương!
Update 4 new photos

Thứ Sáu, 23 tháng 3, 2007

CẢM THỨC THỜI GIAN TRONG BÀI THƠ THỜI GIAN CỦA HÀN MẶC TỬ


Còn đâu tráng lệ những thời xanh


Mùi vị thơm tho một ái tình


Đố kiếm cho ra trong lớp bụi


Ít nhiều hơi hám của kiên trinh


Đừng tưởng ngàn xưa còn phảng phất


Nơi làn gió nhẹ lúc ban đêm


Hồn xưa tự ấy không về nữa


Ở cõi hư vô dấu đã chìm


Chỉ có trăng sao là bất diệt


Cái gì khác nữa thảy đi qua


Tây Thi nàng hỡi bao nhiêu tuổi


Vẻ đẹp mê tơi vẫn nõn nà?


Tôi lạy muôn vì tinh tú nhé


Xin đừng luân chuyển để thời gian


Chậm đi cho kẻ tôi yêu dấu


Vẫn giữ màu tươi một mỹ nhân.


H.M.T


(Đau thương - phần Hương thơm)


Hàn Mặc Tử (1912 – 1940) là một trong những hiện tượng đặc sắc của phong trào Thơ Mới Việt Nam (1932 – 1945), đặc biệt ở tập thơ Đau thương (tức Thơ Điên) đã có một sự kết hợp độc đáo của một tâm hồn thống khổ vì bệnh tật, tình duyên, bị tách biệt khỏi cuộc đời với một khả năng trác tuyệt của một cây bút sáng tạo cách tân để tạo thành những bài thơ cho đến nay vẫn chưa thể giải mã được cặn kẽ. Đứng từ góc độ thi pháp học, người viết xin nêu một vài suy nghĩ nhỏ về thời gian nghệ thuật trong một tác phẩm cụ thể: bài thơ Thời gian , nằm trong phần Hương thơm của tập thơ Đau thương.


Trước khi sáng tác thơ mới, Hàn Mặc Tử đã nổi tiếng là một người làm thơ Đường luật điêu luyện. Bởi thế, chắc chắn nhà thơ không hề xa lạ với những quan niệm thời gian đã thành khuôn mẫu, chuẩn mực truyền thống của luật thơ có ảnh hưởng đến cả hàng nghìn năm văn học phương Đông này. Thời gian trong thơ Đường với những đặc trưng: thời gian bất biến gắn với không gian vũ trụ, những biểu tượng thời gian mang ý nghĩa ước lệ tượng trưng. Bởi thế, muốn thấy rõ dấu ấn thay đổi quan niệm nghệ thuật từ thơ cũ sang thơ mới, không thể không phân tích sự thay đổi quan niệm về thời gian trong thơ của Hàn Mặc Tử, ý thức thời gian gắn liền với cảm quan thẩm mỹ của thơ mới, với cái tôi cá nhân cá thể ý thức được sự hiện hữu cũng như muốn bày tỏ khát vọng chiếm lĩnh vẻ đẹp, bộc lộ chính mình. Lấy nhan đề bài thơ là Thời gian , phải chăng nhà thơ muốn phát biểu trực tiếp quan niệm của chủ thể trữ tình, quan niệm của chủ nghĩa lãng mạn muốn phá bỏ những thành trì của thơ cổ điển?


Trước hết có thể nhận ra nhà thơ muốn hợp nhất thời gian với tình yêu và tuổi trẻ, trong sự đối lập với thời gian đã qua với thời gian hiện tại. Đó không phải là thời gian vô hình mà là thời gian đã được vật chất hoá, có thể nhận biết qua các dấu hiệu ngôn ngữ biểu trưng và sự kết hợp ngôn từ độc đáo: thời xanh, mùi vị thơm tho, ái tình. Thời gian ấy không phải của kiếp người, đời người gắn với cảm nhận nhân thế, thời thế mà cụ thể hoá trong thời gian cá thể: một ái tình! Xuất hiện ngay từ khổ thơ đầu của bài thơ là một cảm thức tiếc nuối thời gian một đi không trở lại trong cấu trúc câu hỏi "còn đâu…?" tạo nên cảm giác hụut hẫng, mất mát, không giống với sự trôi chảy thông thường mà đồng nghĩa với mất mát tuổi trẻ và tình yêu. Thực ra cảm thức về sự mất mát này từng được nhắc đến trong thơ cổ điển với tần số không ít, cả thơ Trung Hoa lẫn Việt Nam nhưng các nhà thơ xưa thường cảm nhận sự bất biến của thời gian trong quan niệm thời gian tuần hoàn của vũ trụ đối lập với thời gian đời người mất đi vĩnh viễn. Hàn Mặc Tử đã tuyên chiến với quan niệm ấy bằng thái độ dứt khoát, thách đố với những chữ đố, đừng tưởng hướng vào những người ôm ảo tưởng về thời gian vũ trụ tuần hoàn.


Bằng thái độ phủ nhận, nhà thơ đã phát biểu rõ quan niệm của mình trong khổ thơ thứ hai:


Đừng tưởng ngàn xưa còn phảng phất


Nơi làn gió nhẹ lúc ban đêm


Hồn xưa tự ấy không về nữa


Ở cõi hư vô dấu đã chìm


Theo cách nói này, cũng có nghĩa là không có "ngàn năm mây trắng bây giờ còn bay” (dịch thơ Thôi Hiệu đời Đường), biểu trưng của thời gian vũ trụ bất biến, tuần hoàn. Điều đó cũng có nghĩa là không có sự hiện hữu của quá khứ trong thời gian thực tại, trong vẻ đẹp hiện thực. Tác giả định danh và liên tưởng các giá trị thời gian bằng chuỗi từ ngàn xưa - hồn xưa – cõi hư vô, nhằm khẳng định một giá trị âm. Những cái “xưa" ấy chỉ là "hư vô", tập hợp rỗng. Cùng với hồn xưa không về nữa từ ngàn xưa - thời điểm được xác định là tự ấy đồng thời làm hiện lên một không gian trống vắng, hoang lạnh, điêu tàn, càng làm tăng ấn tượng đau thương. Vậy thì hương thơm có tồn tại trong thời gian này hay không? Cái gì còn lại khi ngàn xưa, hồn xưa đã biệt mù tăm tích?


Chỉ có trăng sao là bất diệt


Cái gì khác nữa thảy đi qua


Tây Thi nàng hỡi bao nhiêu tuổi


Vẻ đẹp mê tơi vẫn nõn nà?


Nếu như ở hai khổ đầu là cảm nhận về thời gian thực thì đến khổ thứ ba này Hàn Mặc Tử đã "ảo hoá" thời gian. Có một sự kết hợp rất độc đáo quan niệm của thơ lãng mạn, thơ tượng trưng với các biểu tượng của thơ ca cổ điển Trung Hoa. Nếu lớp bụi, thời gian quá khứ đánh dấu sự tan rữa của giá trị vĩnh hằng – kiên trinh như nhà thơ đã tuyên bố thì phải chăng ở khổ này ông tự mâu thuẫn với chính mình. Khác với các nhà thơ cổ điển nhận ra ở trăng sao sự đồng nhất hay tuần hoàn của thời gian vũ trụ thì Hàn Mặc Tử chỉ thừa nhận ý nghĩa biểu tượng ánh sáng – cái đẹp tồn tại vĩnh hằng mà thôi. Ánh sáng bất diệt ấy vượt qua quy luật của thời gian, thể hiện khát khao hướng về cái đẹp tuyệt đối của thi sĩ lãng mạn Hàn Mặc Tử. Ở ý thơ này, Hàn Mặc Tử cũng đối lập với một nhà thơ mới khác là Xuân Diệu (Đời trôi chảy lòng ta không vĩnh viễn - Giục giã). Hàn Mặc Tử hướng về Cái Đẹp tuyệt đối, tạo ra một địa chỉ lưu giữ vĩnh viễn vẻ đẹp thời gian trong con người hiện tại. Ngôn ngữ đối thoại như người đồng thời với Tây Thi - người đẹp thời Chiến quốc đã xác lập mối quan hệ thời gian xưa – nay một cách độc đáo, tạo thành dòng thời gian tâm tưởng, thời gian khát vọng vượt qua hư vô một cách mãnh liệt. Qua đó, nhà thơ bộc lộ cảm giác mê đắm ngất say trước vẻ đẹp mê tơi vẫn nõn nà.


Khát vọng hướng về cái đẹp đã khiến nhà thơ rơi vào trạng thái hoang mang, khẩn cầu trước quy luật của tạo hoá. Đó cũng là mâu thuẫn giữa khát vọng và hiện thực của các nhà thơ trong phong trào Thơ Mới. Dù cách diễn đạt khác nhau nhưng thường trực ý thức về thời gian gắn với cái đẹp khiến các nhà thơ mới gặp nhau trong quan niệm. Cũng giống như Xuân Diệu muốn "tắt nắng", "buộc gió" cho "màu đừng nhạt mất ", "hương đừng bay đi" thì Hàn Mặc Tử đã khấn nguyện da diết:


Tôi lạy muôn vì tinh tú nhé


Xin đừng luân chuyển để thời gian


Chậm đi cho kẻ tôi yêu dấu


Vẫn giữ màu tươi một mỹ nhân


Rõ ràng một mặt nhà thơ nắm rõ quy luật vận động của thời gian, mặt khác nhà thơ lại muốn cưỡng quy luật biến đổi ấy. Đó là mâu thuẫn bên trong của tâm hồn yêu cái đẹp, xung đột giữa hiện thực và khát vọng không thể hoá giải. Nhưng đó cũng là cách nhà thơ khẳng định lòng mình, trân trọng nâng niu những khoảnh khắc thời gian hằng sống, bộc lộ cái tôi cá nhân mãnh liệt nhất. Trái tim vẫn giữ màu tươi của tình yêu, của cái đẹp đến muôn đời. Bài thơ giúp ta hiểu hơn về quan niệm thời gian, quan niệm sống của Hàn Mặc Tử, đồng thời hiểu thêm giá trị của Cái Đẹp, của Tình Yêu qua những vần thơ chan chứa tình yêu sự sống và con người của nhà thơ.


Hà Nội, ngày 16 tháng 3 năm 2007


TRẦN HÀ NAM

Thứ Bảy, 10 tháng 3, 2007

Ngồi hàng Net

Hôm nay đáng lẽ có mặt ở Sài Gòn để nhận giải thưởng www.ngoisaoblog.com. Nhưng lại phải ngồi hàng Net, chờ bạn đi công chuyện! Nhìn xung quanh, chủ yếu là chơi Game, còn lại là chat! Có lẽ đây là lần ngồi thiền lâu nhất ở hàng net! Tưởng tượng một ngày ngồi hàng Net, mà mình hết tiền, kẹt nét thì có... em nào cứu không nhỉ?
Tin nhắn liên tục chúc mừng, lại còn PV đồng hương Ngọc Ánh điện thoại đòi phỏng vấn nữa chứ! Ngồi mãi cũng nhàm, muốn về mà cứ ngồi lại! Ôi trời, cái bầu tâm sự của tui...!
Thỉnh thoảng lại thấy có mấy bà mẹ qua đét đít con đuổi về! Muốn nhanh chóng rời không khí "chiến trường" đang bắn nhau ầm ầm này!
Mà cậu bạn mãi vẫn biến bóng!

Thứ Ba, 30 tháng 1, 2007

Vui vui buồn buồn...

Vừa trở lại "nhà" - căn phòng độc thoại của ta, sau những ngày nán ở quê mẹ ăn giỗ! Kỳ này về quê lần thứ hai nên cũng tự nhiên hơn và thấy mình như đang ở trong bầu không khí gia đình ấm cúng! Ngủ ngon được ba hôm đẫy mắt, cứ như là ở nhà mình. đi vòng vòng hết nhà nọ nhà kia, nhưng ấn tượng nhất có lẽ vẫn là câu chuyện khó tin về việc tìm mộ anh Phúc, con trai cả của Bá Sự! Anh Đuợc, anh Dần, rồi chị Sinh lần lượt kể chuyện mà mình vẫn cứ thấy như một chuyện hoang đường có thật. Quả thật thế giới tâm linh kỳ lạ thế, nếu như không có một sự sắp đặt nào đó! Nghe bảo còn có một lý thuyết đã đưa vào thực nghiệm: người ta có thể thu được mọi âm thanh qua các thời đại, tập trung trong một điểm nào đó ở bầu khí quyển, và một lúc nào đó, người ta có thể nghe thấy tiếng vọng quá khứ cả nghìn năm! Có điều mình còn dốt quá, chỉ có một mớ kiến thức Duy vật biện chứng - lịch sử thì chưa đủ để hiểu những vấn đề phức tạp! thôi thì cứ có sao ghi vậy. Mà khốn nạn cho bộ nhớ bập bõm, may mà có lén ghi lại lời anh Dần, nghe kể tự nhiên cũng rợn rợn. tối về, ngủ cái giường của cậu, cứ ao ước được như cái anh Vũ Hoàng Tuân bên ngoisaoblog, gặp Cậu như anh ta gặp Mẹ anh ta! Nửa đêm, tự dưng thức dậy, trằn trọc đến 3 giờ mới ngủ lại được (chắc do đẫy giấc). Tối qua về nhà chị ruột ngủ, thằng cháu cũng về sớm hơn mọi khi, nói chuyện với cháu, gọi điện cho Mẹ gặp Chị, bà cũng nhớ con gái, lại nói chị thu xếp vào chơi với bà một chuyến! Chị nghe mà mũi cứ chực đỏ lên mà khóc! Hì, bà chị vẫn thế, gần năm lăm tuổi đầu rồi mà cứ vẫn ... thật thà như đếm! Chả biết bao giờ gia đình chị mới chấm dứt cảnh chồng Hà Nội, vợ Hải Phòng, mạnh ai nấy lo! Chán ông anh rể!
Về Hà nội, đọc email bà xã, vui vui vì con Tý bắt đầu biết sửa tính nết, của đáng tội, con trai mình so ra còn ngoan chán vạn nhà thiên hạ! Cứ nhìn cảnh thằng cháu con anh N. bỏ đi ba ngày vì cha mẹ cãi nhau mà hãi! Mà bác thì lại khoẻ "giã" vợ! Nhà mình mà con bỏ đi thì chưa biết sao. chắc phải bắt dập đầu trước bàn thờ gia tiên mà chịu tội, mà mình nóng nảy quá cũng khiến con sợ! Chưa kịp vui chuyện nhà thì lại đến chuyện thằng cháu ngoại bác Thừa, chả hiểu làm sao mà bị hai con bé xỏ mũi, đi chơi rồi hai con nhóc bỏ đi, báo hại ảnh hưởng đến nhà trường. Sếp nổi giận, đòi đuổi học. Cu cậu này cũng họcgiỏi mà mỗi tính bộp chộp. Con mình mà không rèn cũng dễ bị gái dắt mũi lắm! mới tí tuổi mà đã anh kết nghĩa ,em kết nghĩa, mà lại qua Net mới sợ!
Hôm nay cứ vui vui buồn buồn lẫn lộn!


Thứ Sáu, 26 tháng 1, 2007

QuyNhon_NhonHoi.3gp




Nhạc nghe qua di động

Nửa đêm tiếng ca lên như than phiền...


Mệt mỏi! Buồn vì con ơởnhà cứ chành chọe với em! Đã định đi ngủ sớm mà cuối cùng cứ bần thần mãi! Tắt hết mọi hứng thú làm một cái gì đó thật ý nghĩa! Đã tạm ngừng post bài vào blog ngôi sao vì cuộc thi càng ngày càng thấy ít bài hay, càng lúc càng có xu hướng đi xuống. Có cố sức thì chẳng qua cũng chỉ nhận được sự thờ ơ mà thôi!
Không làm được gì, nghe Khánh Ly hát bài hát ruột của mình DẤU CHÂN ĐỊA ĐÀNG. Nghe từng lời mà ngẫm, mà xót!
Thương vợ vất vả và lo cho huyết áp tăng vì cứ phải điên đầu lên vì những biểu hiện ích kỷ của con càng ngày càng nặng! Ba mẹ có dạy nó ích kỷ đâu? Nó dường như nhiễm thói quen này một cách tệ hại từ tâm lý muốn làm con một! Nhà mình là nhà gia giáo tôn ti từ xưa đến nay! Chắc cha biết được cũng buồn lắm, vì ngày xưa cha nghiêm khắc nên mình mới nên nguời! Bây giờ chẳng lẽ mình không thể dạy được con mình nữa hay sao? Hay nó tự cho mình quyền gia trưởng, coi thường mẹ nó như thế? Sắp tới thời gian nghỉ Tết rồi, về muốn cho vui vẻ mà chắc phải dành nhiều thời gian để dạy con! Chả lẽ nó không biết nghe mà chỉ thích đánh mắng hay sao? Buồn quá!







Thứ Tư, 24 tháng 1, 2007

Thứ Hai, 1 tháng 1, 2007

Năm mới 2007 - Happy New Year!

Hôm nay đã là mồng 2 tháng Giêng! Nghĩa là còn 11 ngày nữa thi. Dạo này rứt ra được Internet một xíu, nhưng học thi 3 môn thì bây giờ phải lo giữ sức khoẻ. Chả hiểu sao nhiều người không quen thung thổ, ngã ra đau hàng loạt. Mình ngán nhất là môn Phương pháp dạy học Đại học, thầy dạy cho có, học xong chả biết gì! Tiếng Anh thì nhiều cấu trúc mới quá, vì yêu cầu phải bài bản nên xác suất sai của mình phải điều chỉnh, bây giờ vẫn khoảng 30%. Gồng lên mà học nên cuối cùng chả viết được bài báo Tết nào! Thôi thì tạm thời từ giã văn thơ lãng đãng một thời gian. Tính mình vẫn cứ hay ôm đồm và phá sức!
Một năm mới đến, chuẩn bị cho những kế hoạch dài hơi và phải thích nghi cuộc sống xa vợ con. Lười nhất là giặt đồ! Có lẽ phải làm siêng khi chuyển chỗ ở, không thiìchỗ mình lại thành cái ổ chó nhà chị Dậu thì hỏng! Thằng em Tâm có vợ ra chăm, sướng cả vật chất lẫn tinh thần! Vợ chồng son cũng sướng!
Tí năm nay bắt đầu phải học căng, hy vọng khi con vào lớp 10 thì mình kịp về huấn luyện cho thi môn Văn. Mà Tí học giỏi cũng chả cần ba trợ lực gì nhiều! Cu Lương càng ngày càng bợm, hôm trước qua webcam còn lè lưỡi trêu ba nữa chứ! Bây giờ thèm mắng con cũng chả được!
Chúc năm mới xong, bây giờ rời máy mà học thôi! Lãng tử lắm thì khốn khổ nhiều!