Thứ Hai, 30 tháng 4, 2007

KẺ TÌNH SI QUÊN THỜI ĐẠI

Nguyễn Thanh Mừng vốn là kẻ nặng lòng với những vẻ đẹp quá khứ. Trong một lần cầm viên gạch Chàm trên tay, khẽ gõ vào, anh chợt nghe vọng về câu chuyện của nàng công chúa Huyền Trân và vị vua anh hùng Chiêm quốc Chế Mân. Trong anh, cái ranh giới xưa – nay bỗng nhạt nhoà, cái tôi thi sĩ đã nhập vai vào tráng sĩ Đại Việt thuở nào:


ĐÁM CƯỚI HUYỀN TRÂN


Nghe đồn vua xứ Chà Bàn


Dâng miền Ô, Lý rước nàng vu qui


Tôi mang rượu đến biên thuỳ


Hắt lên mây trắng biệt li, cả cười


 


Thân không tấc đất cắm dùi


Bể sông thi phú, trăng trời phong sương


Cắn răng nhường bậc đế vương


Gươm cùn quẳng xuống vệ đường nhân duyên


 


Thôi nàng hãy tạm nguôi quên


Tôi chàng trai Việt còn trên đời này


Quyết thâu trăm họ về tay


Binh nhung ruổi chốn lưu đày tìm nhau


            (Tuyển tập thơ lục bát Việt Nam)


Bài thơ toàn những câu chữ cũ càng để làm sống dậy cái không khí cổ xưa. Nên khi đọc Đám cưới Huyền Trân, có lúc tôi ngỡ mình đang được tham dự vào một cuộc lên-đồng chữ-nghĩa. Gã họ Nguyễn làm thơ hoá thân để gửi gắm nàng Huyền Trân dăm lời nhắn nhủ mang khẩu khí Đông – A!


Nhưng dũng tướng đời Trần – Thanh Mừng lại mang tâm sự của một kẻ thua thiệt trên tình trường. Dù muốn k iêu bạc bao nhiêu đi chăng nữa, vẫn không tránh khỏi ngậm ngùi. Từ khi “đem rượu đến biên thuỳ” là đã chậm chân, đến lúc “gươm cùn quẳng xuống vệ đường nhân duyên” thì đã chán nản đến cùng cực. Lúc ấy chàng ta giống Nguyễn Bính của thời Thơ Mới:


Chua xót lòng tôi mơ ước mãi


Áo bào nguyệt bạch, ngựa kim ô


            (Một trời quan tái)


Ở nhân vật tôi mà Nguyễn Thanh Mừng nhập vào xác, tôi đoan chắc rằng không có một tí ti hồn của danh tướng Trần Khắc Chung của một thời đại lừng lẫy chiến công. Dù cho chàng ta cố cứng cỏi gương dậy bằng những lời lẽ như tự nhủ:


Thôi nàng hãy tạm nguôi quên


Tôi chàng trai Việt còn trên đời này


Quyết thâu trăm họ về tay


Binh nhung ruổi chốn lưu đày tìm nhau


Tôi chợt chạnh thương Huyền Trân công chúa! Giả sử nàng có một kẻ tình si như vậy, e rằng khi hắn đến tìm, nàng đã hoá thành tro bụi nơi hắn gọi là “chốn lưu đày” rồi! Mà như vậy, e rằng nàng thà làm ma hoàng hậu nước Chiêm còn hạnh phúc hơn!Thử ngẫm mà xem: Dương Quý Phi về tay Đường Minh Hoàng, người tình An Lộ Sơn lập tức dấy binh quyết không chịu “cắn răng nhường bậc đế vương”; Từ Hải cứu Kiều ra khỏi chốn lầu xanh nhơ nhớp đâu cần phải viện đến “binh nhung” nhưng đến lúc trả hận cho Kiều mới cho “ba quân chỉ ngọn cờ đào” rửa sạch oan khổ lưu li cho nàng. Thanh Mừng không học được người xưa nên đã đem vào bóng dáng người xưa cốt cách yếu đuối thi sĩ của mình. Thiết nghĩ, một kẻ có tâm hồn “bể sông thi phú, trăng trời phong sương”, có khí phách kiêu hùng “Tôi chàng trai Việt còn trên đời này” không nên chờ đợi như thế!


Cái đọng lại trong lòng người đọc lại là “đám cưới” và “Huyền Trân” Trớ trêu là chỗ ấy! Vua xứ Chà Bàn - kẻ tình địch đáng ghét kia mới thật si tình làm sao, hào hoa làm sao:


Dâng miền Ô, Lý rước nàng vu qui


Một câu thơ với hai chữ “dâng” và “rước” đã tái hiện cuộc “vu qui” của huyền Trân công chúa thật hoành tráng. Dù cho thân phận của nàng thật bạc bẽo khi được đưa ra làm vật đánh đổi thì giá trị của nàng đã được nâng lên hoàn toàn xứng đáng với hai châu Ô, Lý! Câu thơ đầy trân trọng này của Thanh Mừng thật sự đã tạo được tầm vóc của Huyền Trân công chúa trong lịch sử. Chính vì thế, người đọc cũng mỉm cười mà lượng thứ cho kẻ tự nhận là người tình của nàng để “tìm nhau”.


Bởi, ai nỡ trách một gã làm thơ thả hồn tìm “người trong mộng” của gần bảy trăm năm trước, để tôn vinh một nữ lưu của dân tộc đã đem về hai châu Ô, Lý và đã đi vào dã sử cùng mối tình với danh tướng Khắc Chung.


Công chúa Huyền Trân bỗng đẹp thêm trong mắt của kẻ tình si quên thời đại Nguyễn Thanh Mừng!


                                                                        7.1999 – 4.2007

                                                                        Trần Hà Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét