Chủ Nhật, 24 tháng 2, 2008

Một thông điệp của Thu Hương bên ngoisaoblog.com

http://www.ngoisaoblog.com/m.php?u=mecuatoi&p=124061
Chủ Nhật, ngày 24 tháng 02, 2008 Chuyện về người mẹ mất con

Đối diện với tôi là một người đàn bà rất đẹp. Chắc hẳn là như vậy. Vì tuổi tám mươi mà bà vẫn còn những nét vô cùng quý phái.

Bà là chị chồng của bà cụ hàng xóm tôi cách nay mười hai năm. Chúng tôi đã vô tình gặp lại nhau trong những công việc từ ái, hữu ích mà Ngôi Sao Blog tổ chức.

Bà quyết định chia sẻ với tôi nỗi đau thương tuyệt vọng mà bà đã mang theo suốt ba mươi ba năm, kể từ ngày 30-4-1975 ngày mà dân tộc chúng ta đoàn viên thống nhất , còn với bà lại là khởi điểm của chia cắt đau thương.

Năm ấy, trong cơn hoảng loạn, vì chưa hiểu được cộng sản, giải phóng ra làm sao, bà đã có một quyết định, gửi đứa con gái duy nhất của mình là Trần Hoàng Hải Hà gần bốn tuổi cho người bạn trai là Vũ Bá Hùng, cùng bạn là Hoàng Văn Trí đi di tản. Trên danh nghĩa: Ông Vũ Bá Hùng sẽ nhận là bố cháu bé, và cô bé Trần Hoàng Hải Hà, được mang tên Vũ Thúy Hà trên vé máy bay của chuyến bay ngày 30-4 ấy.

Thông tin về chuyến bay định mệnh

 

Giấy khai sinh của Trần Hoàng Hải Hà

 

Ảnh bà Trần Thị Hải và con gái Trần Hoàng Hải Hà ngày bé

Khi máy bay cất cánh là từ đó người mẹ mất con, sống trong mỏi mõi tuyệt vọng.

Những thông tin sau này bà nhận được rất mong manh và đen tối: Có một số người sau này về Việt Nam, nói với bà rằng:khi máy bay dừng tiếp nhiên liệu ở một hòn đảo gọi là đảo Woam, ông Vũ Bá Hùng đã bán bé Vũ Thúy Hà, tức Trần Hoàng Hải Hà, bé còn có cái tên Mỹ là: Samantha cho một cặp vợ chồng, mà bà vợ là ngừơi Pháp ,còn người chồng là người chồng là người Đức lấy 3000USD. Hiện tại, ông Vũ Bá Hùng trở về sinh sống ở Việt Nam, nhưng cũng không cung cấp cho bà được bất cứ thông tin gì về con gái bà cả.

Run run bà giao lại cho tôi tấm hình của bà cùng con gái hồi nhỏ. Và tờ giấy của hàng không năm 1975 về chuyến bay đã mang con bà đi, bản khai sinh với một lời đề nghị trong nước mắt: Bà vẫn hi vọng, khi gặp Hương bà rất mừng,bà nhờ Hương viết hoàn cảnh của bà gửi lên mạng internét.

Tôi khẩn thiết nhờ tất cả những ai, khi đọc những thông tin này, trong khả năng của mình nếu giúp được bà cụ thông tin gì về cô gái, xin mở lòng nhé.
 
Bà cụ: Trần Thị Hải-số nhà 174 cửa sau đường Nguyễn Văn Trỗi phường 8-quận Phú Nhuận -TpHCM

Host unlimited photos at slide.com for FREE!

Bà Hải (áo trắng) 

Vừa rồi bloger Phong Lan có thông báo, em đã  liên lạc với một tổ chức tìm  kiếm thất lạc để giúp bà cụ, rất cảm ơn em.

Bạn nào rành vi tính mang thông tin này sang mạng Yahoo và các mạng khác giúp tôi với nhé. Nếu có thông tin gì, xin liên lạc qua blog của tôi hoặc trực tiếp cho bà Trần Thị Hải. Cầu chúa cho một phép nhiệm màu.để bà cụ có thể tìm lại con sau hơn ba mươi năm lưu lạc.

Thu Hương


Thứ Tư, 20 tháng 2, 2008

Nối dòng gia tộc


Hình ảnh chụp lại ở từ đường: Ông bà nội chụp cùng các bác - những người làm vẻ vang dòng tộc.

Thứ Bảy, 16 tháng 2, 2008

Truyện ngắn: Trong mưa

Trần Hà Nam:

Trong mưa

Trời lại mưa, mang theo cái khí lạnh đến khó chịu của mùa đông vào trong khung phòng chật hẹp của Hòa. Anh đang nằm dài trên giường, lười nhác kéo tấm chăn mỏng trùm kín đầu định ngủ tiếp. Nhưng tiếng mưa đều đều dai dẳng cứ âm âm trong đầu Hòa, cộng với hơi gió se lạnh luồn qua tấm chăn làm cho anh rùng mình và đành vùng dậy, bật lửa châm thuốc hút. Đồng hồ chỉ vào con số 4 cùng tiếng nhạc thánh thót vang lên vào buổi sớm nghe lanh lảnh. Hòa cặm cụi pha bình trà để ngồi nghe mưa. Trời vẫn tối đen như mực, tiếng mưa đề uđều nhẫn nại gõ trên mái tôn làm thành một thanh âm bất di bất dịch…

Lâu lắm rồi, Hòa mới lại có được cái cảm giác của một gã độc thân. Vợ con anh đưa nhau về ngọai đã hai hôm nay, Hòa bận không thể đưa vợ đi được – cũng vẫn là những công việc tẻ ngắt hàng ngày lên lớp, sọan bài, cho học sinh kiểm tra. Nhưng không làm không được. Tất cả đã trở thành quen thuộc đến nhàm chán, không để lại cho anh bất cứ cảm xúc gì. Hòa không tham vọng, không thích ước mơ viển vông. Anh đa 4qua cái tuổi mà khi nhìn thế giới người ta tưởng có thể nắm trong lòng bàn tay được. Bây giờ, anh thỉnh thỏang chỉ thóang buồn khi nghĩ về tương lai: tất cả dường như đến quá chậm chạp làm cho con người cảm thấy sốr ruột. Suy nghĩ của Hoà giờ đây thực dụng và giản đơn hơn: làm ra đồng tiền để có thể chi tiêu cho những gì mình định trước, không cần phải lựa chọn đắn đo xem công việc có phù hợp khả năng, đúng với sở thích của mình không. Thùy - vợ anh từ lâu đã trở thành một người đàn bà khác mà anh nhiều lúc cũng không để ý lắm (!). Công việc hàng ngày đã kéo người đàn bà hơn hai mươi lăm tuổi xuống sát mặt đất, với vẻ cam chịu nhẫn nhục - mặc dù vợ Hoà cũng cùng tốt nghiệp đại học với anh. Lúc đầu thì Hoà không để ý, sau rồi thì anh chặc lưỡi: “Đàn bà ấy mà, có bao giờ tầm nhìn vượt ra khỏi gia đình đâu!”. Có lúc Hoà thấy Thùy tấm tức khóc một mình, anh lại đâm ra khó chịu: “Dào, hơi một tí thì làm mình làm mẩy, cứ như thằng này không quan tâm đến không bằng”, và lẳng lặng bỏ đi. Đã từ lâu, Hoà đã quen lệ: ăn cơm xong, lên đọc báo, soạn bài, uống trà rồi ngủ. Cón Thuỳ thì lo cơm nước, giặt giũ, cho thằng bé ăn, gửi con đón con ở nhà trẻ. Mới gần hai mươi sáu tuổi mà Thuỳ đã có vẻ mặt của người đàn bà quá ba mươi khắc khổ. Cuộc sống của hai vợ chồng cứ bình lặng trôi đi theo nhịp tẻ ngắt đó. Ngoài giờ dạy trên lớp, Hoà dạy thêm kiếm tiền trang trải mọi chi tiêu trong gia đình – như một nghĩa vụ và trách nhiệm phải làm – không có cả thời gian rảnh rỗi để cùng vợ con đi chơi, xem ca nhạc hay phim ảnh. Có lúc anh để vợ con em ti vi một mình, đến chừng hết ti vi, tiếng máy rồ lên, Hoà vào phòng thì thấy hai mẹ con ôm nhau ngủ tự lúc nào, vậy là lại cau có. từ khi lấy nhau đến giờ, đã hơn ba năm, hai vợ chồng từ lúc nào không rõ, hiếm khi cười với nhau được một lần.

Không có điều gì quá tốt và không có điều gì quá xấu, tất cả đối với  Hoà đều đã trở thành bình thường. Những việc xảy ra hàng ngày trong gia đình đều đặn có gì đáng phải quan tâm. Cho đến một hôm, Thuỳ báo cho anh tin mừng với vẻ mặt hớn hở: “Em xin được việc làm rồi, ở Ủy ban dân số thành phố!”, Hoà đã ngẩn người một lúc lâu. Đi làm à? Tại sao lâu nay anh không nghĩ đến điều đó? Anh đã quen với cảnh ngày ngày Thuỳ chỉ có đi chợ, nấu cơm, làm tất cả những công việc của một bà nội trợ maàquên bẵng đi vợ mình cũng tốt nghiệp đại học chính qui đàng hoàng. “Đi làm à? – anh bật ra một câu ngớ ngẩn - thế còn thằng cu?”. Thuỳ sững người, nước mắt cô ứa ra: “Anh ích kỷ lắm!”. Trưa hôm đó, bữa cơm tẻ ngắt, nặng nề mặc dù Thuỳ nấu món canh cá lóc rất đúng gu của Hoà. Hai vợ chồng không nói với nhau câu nào. Đến tối, Thuỳ bảo mệt, đi ngủ sớm cùng thằng cu. Hoà ngồi soạn bài nhưng không thể nào tập trung tư tưởng được, anh thu dọn sach vở rồi cũng đi nằm, nghe tiếng Thuỳ cựa mình, anh không dám nói lớn: “Em ngủ chưa?”. Im lặng. Hoà rủ rỉ như tự nói với mình: “Anh là một người chồng tồi, phải không?”. Không môt tiếng trả lời. Hoà bối rối, vắt tay lên trán, ngó đăm đăm lên trần nhà, những vòng sáng đỏ từ chiếc đèn ngủ lập loè, tiếng thở của thằng cu con bị viêm mũi cứ khò khè như tiếng cưa xát vào lòng anh. Chợt Hoà cảm thấy một bên vai mình ấm nóng, Thùy đang dụi đầu vào người anh, lặng lẽ khóc. Hoà siết nhẹ bờ vai người vợ trẻ, nhè nhẹ thở ra…

                                           ***

Hai hôm nay, Hoà trở lại sống theo kiểu độc thân. Còn năm ngày nữa hai mẹ con Thùy mới trở ra để Thuỳ kịp nhận nhiệm sở vào đầu tháng Giêng. Lại sắp một năm nữa qua đi, giờ đây một mình trong căn phòng nhỏ bé, Hoà cảm giác rõ hơn sự vắng lặng khác ngày thường. Sắp tới, mọi việc sẽ khác, và Hoà cũng sẽ đổi khác. Hoà rót tiếp một tách trà, thong thả lật tờ báo mới mua mà anh chưa kịp đọc. Một hàng tít nhỏ tình cờ đập vào mắt anh: “Tình hình mới và nhiệm vụ của chúng ta”. Tại sao chỉ có nhiệm vụ nhỉ? Hoà chợt mỉm cười…

                                                Qui Nhơn, tháng 12 năm 1994

                                                                 T.H.N

Thứ Sáu, 15 tháng 2, 2008

Truyện ngắn: Đêm thành phố

Trần Hà Nam:

Đêm thành phố

  • Truyện ngắn

            Thành phố về khuya uể oải như một cô gái sau khi gột hết phấn son mới nhận biết mình đang tàn tạ. Không gian lặng đến nỗi có thể nghe thấy tiếng lá khô xạc xào trên mặt đường. Thỉnh thoảng lại rộ lên tiếng xe máy rú hết tốc lực của một anh chàng nào đi chơi về muộn.

            Bây giờ đã quá nửa đêm. Đứng ở bao lơn của khu nhà tập thể, Bình lặng lẽ thả những vòng khói xanh nhạt, đốm lửa của điếu thuốc cứ lập loè đỏ trên môi loé lên trong bóng tối. Anh đã có một thói quen khó bỏ là không bao giờ ngủ trước 12 giơờkhuya. Thói quen đó hình thành từ những ngày anh còn học Đại học sư phạm, nơi ban ngày lúc nào cũng ồn ào, chỉ đêm về mới đủ tĩnh để tập trung học bài. Hồi đó, bạn bè đã đặt cho Bình biệt hiệu “vạc ăn đêm” cũng bởi cái tính thức khuya này.

Càng về khuya, hình như thời gian càng trôi thật chậm. Có lẽ giờ này chỉ có những mắt đèn còn thức, toả ánh sáng xanh xao trên mặt đường. Bên kia đường, đám bụi đời đã tập trung về trước ổng một cơ quan, rải những manh chiếu hôi sì, quắp lấy nhau ngủ như chết. Cái đám người khốn khổ khốn nạn ấy gồm đủ loại tứ chiếng giang hồ, đã nghiễm nhiên tồn tại ngày này tháng khác ở cái thành phố N. này, không ngán chiếc roi pháp luật! Truy đi quét lại, dăm bữa nửa tháng đâu lại hoàn đấy. Đã bao lần Bình tự hỏi: không biết trong bọn họ, có ai đã từng một lần dằn vặt lương tâm vì hậu quả họ đem lại cho cuộc sống này chưa nhỉ? Hay họ xem móc túi, trộm cắp, mua bán dâm… mặc nhiên cũng là một nghề được xã hội thừa nhận? Anh nhớ lại đã có lần định viết một bài phóng sự điều tra về tệ nạn này, thế nhưng mơí chỉ trình bày ý tưởng, “sếp” đã gạt đi và nhìn anh bằng con mắt thương hại: “Cậu nhiệt tình cũng tốt đấy, nhưng đề tài này lâu nay đến các anh chị phóng viên làm cả chục năm cũng chưa dám làm. Đừng có dại dột mà nhúng vào!”. Thế đấy! Anh chỉ còn biết nhếch mép cười, rồi câm lặng bỏ đi. Đành phải chấp nhận thôi, trong cái thế của mình! Dẫu cho cố đấm ăn xôi mà viết được chăng nữa, không biết có ai tỏ ra vui mừng hay không, hay họ lại ném những tia mắt hằn học ganh ghét cho một thằng “chíp hôi” chưa ráo máu đầu mà đã lên mặt ti toe?

Đêm khuya, gió thổi mạnh hơn làm Bình rùng mình cảm thấy lòng như se lại. Lại sắp sang một mùa đông nữa rồi! Và anh cũng đã làm phóng viên được hơn một năm. “Thức khuya mới biết đêm dài…”, đến tận bây giờ anh mới chiêm nghiệm đầy đủ hơn cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng của câu tục ngữ này. Trước kia, có mấy khi anh quan tâm đến khái niệm thời gian đâu, thời sinh viên vô tư lãng mạn, nhiều khi lại muốn thời gian ngừng trôi để Bình có thể ngồi bên người yêu nói những lời không đầu không cuối đầy đam mê…

**

*

…Khuya, sao càng lúc càng nhiều làm sáng nhờ nhờ cả bầu trời đen thẫm . tiếng Hương thầm thì bên tai làm Bình sực tỉnh khỏi cảm giác bềnh bồng:

- Nhìn kìa anh, đến giờ em mới tin bầu trời đêm nhiều lúc cũng xanh huyền hoặc đó!

Bình mỉm cười âu yếm:

- Vậy mà chỉ còn mấy ngày nữa thôi, anh chẳng còn được ngắm đôi mắt lấp lánh của em nữa rồi!

Bất giác, cả hai cùng thở dài…Trời xui đất khiến hai đứa thương nhau mà lại ở cách nhau hàng trăm cây số. Một mai ra trường, mỗi đứa một phương trời. Thời gian…! Đó là lần đầu tiên Bình nghĩ đến thời gian và khoảng cách. Cả hai còn quá trẻ và quá nhiều khát khao. Ngày mai bộn bề trăm mối lo: xin chỗ dạy, tính toán chi tiêu, những mối quan hệ mới… Hơi thở của Hương bỗng gấp gáp:

- Bình ơi, mai mốt hai đứa xa nhau, những đêm như đêm này, anh nhớ em nhiều chứ? Anh hứa đi, anh sẽ không nhìn vào đôi mắt nào xa lạ, để quên mất Hương của anh, mãi mãi là của anh…anh nói đi!

Bình không trả lời, chỉ nhìn thật sâu vào đôi mắt người yêu đang long lanh ngấn nước. Tan đi, tan ra đi, ước chi tình yêu hoá thành phép lạ cho hai đứa tan vào nhau làm một, ngay bây giờ! Đêm thật thanh bình, man mác tiếng sóng biển rì rầm hoà theo nhịp tim của hai kẻ yêu nhau. Anh tin lắm, Hương ạ…ngày mai chúng ta sẽ vào đời, sẽ đứng trên bục giảng nói những điều tốt đẹp cho lớp học trò mộng mơ, trong trắng…Anh tin chúng mình sẽ về lại với nhau, sống đạm bạc nhưng lại càng thông cảm, yêu nhau, hiểu nhau nhiều hơn nữa. Anh sẽ tự hào về người vợ hiền dịu, đảm đang của anh. Đêm đêm, hai đứa sẽ chụm đầu cùng soạn giáo án, chấm bài, sẽ không khác thời học chung tuổi sinh viên bây giờ…Đừng anh, em muốn chúng mình giữ trọn vẹn cho nhau! Em tin, em tin lắm. Xa nhau, em sẽ cố đừng để buồn nhiều, vì em đã yên tâm sống trong niềm tin yêu về anh, về Tình Yêu của chúng mình…

Biển ngời lên những đốm sao tan hoà theo con sóng. Xa xa, mắt hải đăng nhấp nháy. Cả hai cùng yên lặng dõi nhìn ra biển khơi, sao Mai đã xuất hiện ở chân trời, lung linh như niềm hy vọng…

***

Tiếng chó sủa râm ran phía xa đã cắt đứt dòng hoài niệm của Bình. Dưới đường, hai bợm nhậu đang dìu nhau lốc thốc lảo đảo. Lại người say! Bình cau mày. Sao bây giờ lắm người say đến thế! Những tiếng lè nhè vọng lên cho biết hai chàng đã “quắc cần câu”. Mấy gã bụi đời bị đánh thức làu bàu chửi rủa rồi lại co quắp ngủ. Chả dại gì bọn họ dây vào các đệ tử Lưu Linh cả. Men rượu chả giải quyết được gì, chỉ làm cho con người mờ lý trí. Đấy, cứ nghe:

- Anh…Hai, anh…để…để thằng em…ngủ đây với…đám kia cũng được! Ấc!...Mẹ nó, thất nghiệp thì khác…khác đ…gì thằng bụi đời! Anh vê…ề…đi! Tui…chưa “xỉn” mà…mà lo!

- Mày…nghe tao…đi về! Không thì tao …đá một cái thấy mẹ…bây giờ! Sướng ích gì…mất việc mà đi “quậy”!

- Anh…anh chửi tui…há anh Hai? Tui …không ngán đâu à nghen! Anh ngon…chửi thằng giám đốc…chỉ giỏi nói láo! Mẹ nó,…hoàn thành vượt…vượt mức kế hoạch mà thợ bậc 5/7 lại ra đường…Chó đẻ vậy…không quậy thì làm gì? Tôi hỏi…làm gì…hả…ả…?

Hai bóng say cuối cùng cũng đi khuất. Nhưng Bình vẫn cứ nôn nao vì đoạn đối thoại vô tình anh nghe được. Cái thời buổi bung ra này, được một việc sao mà chua chát thế! Hoá ra anh vẫn còn nằm trong số những kẻ may mắn. Có việc làm vẫn hơn, dù cho là làm hợp đồng chăng nữa!

Sao vẫn sáng đặc trời. Các hình khối nhà đen thẫm, trần trụi, tắt mọi sắc màu hào nhoáng. Cái trần trụi, buồn tẻ dường như mới chính là không khí thật ở thành phố này. Bình chợt nhớ đã lâu lắm rồi mình không làm thơ. Thơ là nơi anh gửi gắm những khát khao, ước vọng mãnh liệt của mình. Nhưng lâu nay cảm xúc đã trôi tuột theo cái nhịp đều đặn của tháng ngày. Nhiều lúc chính anh cũng băn khoăn không biết anh có còn là Bình của ngày xưa nữa không. Cuộc sống đã giúp anh nhận ra con đường thẳng ít khi dẫn đến đích và không có sẵn khuôn để làm nên sự hoàn hảo. mọi thứ đã bị bóp méo, đảo lộn gần hết. Có buồn có vui cũng phải giấu kín trong lòng, người ta khó chấp nhận sự phát triển của những cá tính mạnh. Im lặng là vàng. Bình sẽ không quên những việc đã làm anh dằn vặt suốt một năm làm việc của mình. Một năm mình chưa phải là mình. tội nghiệp cho Hương, nàng hy vọng quá nhiều vào mình! Bình còn nhớ như in những lời trong thư Hương chia vui cùng anh khi biết anh được nhận làm phóng viên hợp đồng cho báo: “…em tin Bình của em sẽ nhanh chóng tạo được chỗ đứng vững vàng. Làm nghề này, thu nhập sẽ khá hơn, mai này tụi mình sẽ đỡ lo vật chất phải không anh? Em hy vọng anh sẽ phát huy được tài năng của mình.”.

Bình cũng không ngờ mình lại có ngày làm báo. Cũng nhờ cái tiếng học giỏi mà anh đã nhanh chóng được nhận làm hợp đồng, trong khi hơn hai phần ba số bạn bè vẫn nằm dài chờ việc. Âu cũng là cái duyên tiền định chăng? Hồi học lớp 11, Bình chả gì cũng đã làm “chủ bút” của tờ “Báo Lố” do chính anh “sáng lập” đấy thôi! Của đáng tội, cũng tại cái máu viết lách lại nghịch ngợm nên tờ “Báo Lố” cũng đã chịu khá nhiều tai nạn do nhiều người tính “nghiêm chỉnh” không thích toàn nói chuyện…bố láo! Một mình Bình hồi đó vừa chủ bút, vừa phóng viên, vừa hoạ sĩ, đâm thọc hết người này đến người kia. Hồi đó, cũng chỉ vì dám viết những chuyện động trời như cười giễu, khui ra mánh lới của tụi bạn quay cóp, rồi chuyện giáo viên bắt học sinh cưa củi cho nhà mình tính điểm lao động…mà “chủ bút” phải nhiều phen sóng gió, không hiếm phen bị đấm nổ đom đóm mắt. Nhưng hầu hết ở lớp đều khoái, chuyền tay nhau tờ “Báo Lố” viết tay của Bình đến nát nhàu và tuần nào cũng ngóng số mới ra đời để biết chuyện mới, sau này lại thêm bốn năm “cộng tác viên” đắc lực… Nhưng đó là chuyện thuở “nhất quỷ nhì ma…”. Đến khi bước vào nghề báo thực thụ, Bình mới thấm những nỗi cực nhọc, cay đắng của nghề.

***

Tiếng dế ri rỉ bỗng cất lên làm đêm thêm hoang vắng. Bình thở dài. Ngày mai anh còn phải hoàn thành bản tin về một công trình của thanh niên xung phong tỉnh nhà. từ chập tối đến giờ anh vẫn chưa viết được dòng nào, hễ vào phòng là lại váng vất đầu, dường như men bia của hôm qua đến giờ mới ngấm. Anh nhớ lại khuôn mặt láu cá, đỏ phừng phừng của tay tổng đội trưởng mà cảm thấy ngán ngẩm: “Ông phóng viên cứ viết cho hay vào nhé, mà phải chờ cụ “bí” về rồi hẵng phát, chứ “cụ” không được biết thì lại cứ chửi tụi này ăn hại nhà nước suốt!”. Bình thoáng rùng mình khi cô chiêu đãi cầm tờ thanh toán vào, anh sửng sốt không tin vào mắt mình: gần 600 ngàn đồng, cộng khoản hồi sáng cũng ngót nghét gần triệu bạc. Thực ra đây cũng chỉ là con số nhỏ nhoi so với nhiều đơn vị kinh tế khác chi ra cho một buổi liên hoan. Nhưng anh vẫn cảm thấy đắng trong họng. Mấy tay ngân hàng đi nghiệm thu công trình thanh niên để duyệt cho vay vốn giờ cũng đã xiểng tảng gục đầu lên bàn, vòng tay qua mấy em “phục vụ” đang lè nhè giọng say: “Anh, anh không chết đâu anh…”. Giọng cười hăng hắc đuổi theo Bình đến tận nhà, anh nôn thốc nôn tháo những lẩu, những gà hầm thịt quay ra nhà vệ sinh rồi nằm vật vã cho đến sáng. Anh biết bài báo của anh có thể đem lại “quota” cho mấy tay thanh niên xung phong nọ. Sự đời có qua có lại…! Nhưng nếu không viết, anh sẽ bị chất vấn, bị cái tội “không hoàn thành nhiệm vụ”. Viết thì…! Anh không biết khi cái công trình thanh niên kia hoàn thành thì đến mấy chục phần trăm sẽ phải bỏ ra để bù lỗ? Băn khoăn cũng chả ích gì, ở địa vị anh, có lẽ người ta sẽ tặc lưỡi: “Ôi dào, giờ này làm ăn kinh tế là phải thế! Lương tâm không bằng lương tháng, lương tháng không bằng lương ‘lẹo’!”.

Bình lại nhớ đến Hương. Nàng cũng thuộc vào số may mắn. Xin được việc làm, lại biên chế đàng hoàng ở Hội phụ nữ trong đó. Gì thì gì, người trong biên chế bao giờ cũng có thể tự cho phép mình ung dung hơn kẻ hợp đồng. Nhưng biên chế như Hương thì thu nhập mỗi tháng chỉ đủ tiền mua gạo và một ít son phấn. Hương đã viết thư sao nhỉ? “Em cảm thấy mình còn sướng hơn nhiều chị khác cùng cơ quan, cũng đồng lương như vậy mà phải nuôi thêm 2, 3 con nhỏ, cực lắm! Bình ơi, đôi khi em vẫn tiếc vì ước mơ đi dạy không thành. Có phải chúng mình hồi đó nhiều mơ mộng quá không anh?”. Phải rồi, Hương à! Cả anh và em đều là những kẻ quá nhiều mơ mộng. Và đến giờ anh vẫn là kẻ mộng mơ, có điều những giấc mơ đầy hoang tàn, trống vắng…Bình của em nhiều lúc phải làm một thằng nói dối, một kẻ hèn nhát run sợ không dám nói những sự thật phũ phàng. Anh biết Hương của anh sẽ không thể chịu nổi nếu anh mất việc phải về nhà nằm dài ăn bám đồng lương hưu của cha mẹ. Dù chán ngán sự đời đến đâu, con người ta vẫn phải “tay làm” thì “hàm” mới có “nhai”. Và cái nguyên tắc phục tòng vô điều kiện chính là điểm tựa vững chắc nếu anh không muốn bị cho ăn bùn. Bình biết rõ điều đó. Nhưng anh vẫn còn nuôi dưỡng ý nghĩ thật kỳ quặc. Chẳng hạn, lang thang một mình theo các dãy phố, nhìn người ta yêu nhau, để tự thấy mình lạc lõng giữa những người vui vẻ trong thành phố náo nhiệt này. Kết thúc hành trình mộng du của anh bao giờ cũng là nơi eo biển vắng người. Biển bao la như mở rộng một vòng tay thân ái. Không phải anh còn quá lãng mạn ư, mà sao cứ vơ vẩn một câu hỏi: có phải xung quanh mình, lòng tốt đều là giả tạo? Sao người ta không sống rộng rãi như biển, đằm sâu như biển? Rồi cũng chính anh lại trả lời: tại vì họ cứ khăng khăng nhận mình là một người chân chính. Chín người mười ý, ai dễ chịu ai? Anh nhớ tới một qui luật của môn triết học: qui luật phủ định của phủ định, và cũng không quên qui luật ứng dụng vào tự nhiên đôi khi cũng có độ sai biệt rất lớn khi ứng dụng vào xã hội. Biết đâu một mai anh chẳng nghĩ khác, chẳng trở thành một con người khác. Không suy tư, không hờn giận, không yêu thương và không còn biết sợ bất cứ điều gì. Bao giờ? Không, không có lẽ anh đã trở thành bi quan đến thế rồi sao?

Bình quay vào phòng. Trang giấy trắng tinh, anh nắn nót: “Hương thương yêu!...”. Những số liệu trong sổ công tác không còn ám ảnh anh nữa. Công việc vẫn cứ là công việc. Anh tin vào khả năng của mình. Anh sẽ xoa đi được những mặc cảm triền miên, sẽ chiến đấu với cuộc sống này dù cho đơn thương độc mã. Ngày mai…ngày mai anh còn có Hương, còn có tình yêu nghĩa là còn tất cả. Trước mắt anh, Hương đang cười, nụ cười tin yêu và ánh mắt vẫn như ngày nào lấp lánh nhìn anh.

Đàng xa, phía chân trời, sao Mai đã hiện ra, rực rỡ…

Thành phố đã bắt đầu hồi sinh trong nhịp chân rộn rã của những người đi tắm biển sớm mai.

                                                Qui Nhơn, tháng 10 năm 1991

                                                                   T.H.N

(Đánh vi tính lại vào tháng 2.2008 - kỷ niệm thời còn làm phóng viên)

Chủ Nhật, 10 tháng 2, 2008

Một bài thơ năm mới

Chẳng biết có phải là thơ không nữa?
Mùa Xuân
Khi thấy sắc mai chạm nơi đầu ngõ
tôi biết mùa xuân
Xuân muộn hay xuân sớm
Sắc hoa không cho người già*
Tôi biết mùa xuân trong mắt con thơ
niềm háo hức nhận lì xì năm mới
Tôi biết mùa xuân qua rồi vội vã
Cánh mai vàng tơi tả
nỗi buồn trong mắt mẹ mênh mang
Có phải "mùa xuân trong đôi mắt em"**
Xuân này nữa rồi bao mùa xuân nữa?
Có bao nhiêu lòng xuân khép cửa
Bao dự cảm mong manh
Thì xuân đất trời cứ mãi xanh
Cho lòng ta nỗi buồn thôi đọng lại
Nghe khúc nhạc xuân êm ái
Ta tự ru mình
Mùa Xuân...
T.H.N
* Thơ Lưu Vũ Tích: Kim nhật hoa tiền ẩm - Cam tâm tuý sổ bôi - Đãn sầu hoa hữu ngữ - Bất vị lão nhân khai
** Bài hát do Ngọc Lan trình bày:


Thứ Năm, 7 tháng 2, 2008

Hình Tết Mậu Tý




Chụp qua di động, ghi lại từ khi chuẩn bị Tết đến khi sang năm mới. Tường thuật bên vnweblogs

Thứ Bảy, 2 tháng 2, 2008

Hình bị chộp...


Hình này hè năm 06, khi ký cho lớp Hoá, bất ngờ thấy trên báo Bình Định 20.11.

Do học trò chộp trong những khoảnh khắc bất ngờ không chuẩn bị...