Thứ Sáu, 1 tháng 12, 2006

Văn thơ

http://www.ngoisaoblog.com/tranhanam
Blog dự thi của Trần Hà Nam. Một mong muốn hướng sự quan tâm của mọi người đến môn Văn trong và ngoài nhà trường!

Quy Nhơn hồn biển - Published

Rating:★★★★★
Category:Books
Genre: Literature & Fiction
Author:Trần Hà Nam
Đây là cuốn sách đầu tiên tự xuất bản của Trần Hà Nam. Bán thơ ra thế giới hoành tráng nhỉ (chả có ai là dân Việt thì phải?)? Bà con nào không biết cách làm thì mail về để được hướng dẫn nhé!
Đây là sách cá nhân tự xuất bản, đừng có bắt em phải lên tường trình khổ lắm! Mời vào trang www.lulu.com (do báo giới thiệu đó!). Sau đó đăng ký và xuất bản. Chả mất đồng nào mà xuất bản được, trông cũng oách nhỉ? Bà con vào coi, gõ mục search chữ "tranhanam" hay "quynhon" là hiện ra!

Thứ Năm, 19 tháng 10, 2006

Thứ Hai, 9 tháng 10, 2006

Học Triết

Start:     Oct 9, '06 6:00p
End:     Nov 7, '06
Học Triết

Ở Hà Nội nhớ quê mình

Đã xa rồi mảnh đất quê hương
Hà Nội đón tôi mùa thu đẹp quá
Bỡ ngỡ khi mình làm khách lạ
Chẳng biết đường biết phố biết thêm ai

Nhớ Quy Nhơn bè bạn lai rai
Đọc dăm câu thơ cùng nhau tếu táo
Hà Nội ơi!
Xin đừng trở gió
Xua cơn gió lùa lạnh buốt lòng nhau!

Ở thủ đô mà lại nhớ miền Trung
Nhớ tiếng nói rặt dân xứ Nẫu
Nhớ mái nhà rung rinh lo gió bão
Nhớ vợ nhớ con trong dạ bồn chồn

Thôi cũng đành tạm xa Quy Nhơn
Thèm hơi biển mặn mòi
Bờ cát vàng nắng chói
Chàng trai Bắc mang trái tim Bình Định
Sẽ chẳng hề lạc lối giữa thủ đô.

Ngang Đống Đa lại nhớ Quang Trung xưa
Lừng lẫy chiến công nức lòng xứ Võ
Bỗng bồi hồi một sắc đào thắm đỏ
Hẹn ngày trở về anh sẽ tặng em!





Mai Thìn

http://maithin.vnweblogs.com
Blog của Mai Thìn

Chủ Nhật, 8 tháng 10, 2006

Giang sơn mi mục




Bức hoành phi ở Từ đường

Những ngày đầu Hà Nội


Vậy là đã bắt đầu cuộc sống xa nhà! Bây giờ mới giật mình nhận ra: lần đầu tiên mình phải xa gia đình lâu đến vậy.
Nghĩ về mái ấm của mình, cứ nao nao cả dạ. Gần tối, nhận được tin nhắn: Anh ơi , điện cúp rồi, giá không có hai con thì em bay ra theo anh luôn! Bỗng thấy thương vợ quá chừng. Giá như không phải đi học xa thì có lẽ gia đình cũng đỡ vất vả hơn. Lo nhất là thằng cu Tý, bây giờ đang tuổi ham chơi, thiếu sự quản lý thì không biết có chững chàng hơn không? Cu Lương thì càng lúc càng ba lém. Mẹ phải vừa làm cả trách nhiệm của cha, chắc khó mà dịu dàng được với hai ông tướng. Ngoan nhé các con, đừng làm mẹ phải buồn!
Những ngày đầu Hà nội chưa có một chút ấn tượng gì, chẳng còn vẩn vơ bận tâm đến ai. Học trò thì cũng bận rộn việc riêng không đến được. Thế giới này rộng lớn vô cùng, và có biết bao điều cần phải quan tâm. Hà nội vẫn là căn phòng nhỏ cuộn mù khói thuốc mà vắng tiếng sáo Trương Chi. Ngày mai bắt đầu học chính thức, phải sắp xếp lịch học tập và sinh hoạt, có đau ốm cũng chẳng ai lo cho chu đáo như ở nhà đâu.
Ra đúng Trung thu, lại nhớ con năm nay không được ba dẫn đi chơi. Buồn! Nghe học trò nhắn tin vui Trungthu mà cũng chẳng bụng dạ nào mà chia sẻ !
Cần phải nhanh chóng thoát khỏi tâm trạng nặng nề này!




Thứ Tư, 27 tháng 9, 2006

Taekwondo pictures




Cảm xúc Qui Nhơn mưa

Chỉ còn chưa đầy mười ngày nữa, tôi sẽ xa Qui Nhơn. Bây giờ mới thấy thật thấm thía cảm xúc xa quê hương thật sự. Tính ra, đây mới là lần xa quê thứ hai của tôi. Lần thứ nhất vào 1976 giã biệt mảnh đất gắn bó tuổi thơ Cầu Đơ, Hà Trì, Hà Tây về quê cha đất tổ. Và lần này, sau ba mươi năm lại tiếp tục một chuyến đi ra Hà Nội. Chưa biết sẽ thành đạt, nối chí cha ông hay không nhưng trước phút chia tay mảnh đất gắn bó với mình, sao mà không nao nao trong dạ?


Hà Nội với tôi giờ đây cũng chỉ nhạt nhoà như ký ức Thạch Lam trong truyện ngắn Hai đứa trẻ: “Hà Nội xa xăm, Hà Nội sáng rực, vui vẻ và huyên náo…” – là chốn kinh kỳ trong tâm thức một anh chàng tỉnh lẻ. Hà Nội trong ký ức là mùa thu đầy mưa khi tôi tròn 20 tuổi, lóng ngóng vụng về đạp xe bên người bạn gái mới quen lang thang khắp các phố phường, lạ lẫm đưa mắt ngắm những hàng cây sũng nước, những mặt hồ mịt mờ trắng xoá. Hà Nội của những lần tập huấn ngắn ngày, lang thang cùng người bạn xứ Cẩm Thành trên đê Yên Phụ, uống chén chè Thái vỉa hè, ra tới hồ Gươm ngủ kín mít trong chiếc áo ấm trên ghế đá như hai gã du thủ du thực chính hiệu. Là một đêm say cạn mười lăm bầu Làng Vân cùng những người bạn nghệ sĩ bốc trời trong quán rượu Hồ Tây sau lưng trường Chu Văn An, đàm đạo văn võ cùng một đệ tử chân truyền môn phái Vịnh Xuân để vỡ lẽ ra sau cái vẻ bụi bặm của anh là một chất sĩ phu Bắc Hà lãng tử. Và chỉ có thế! Hà Nội còn là hơn một tháng lăn lóc ngủ bẹp trên sàn của văn phòng công ty thằng bạn, ngóc đầu dậy không nổi vì cái tính khí thất thường ngày nắng ngày mưa của Hà nội lúc giao mùa. Là đêm chong mắt trắng, râu tóc lởm chởm miệt mài ôn thi, bụng đói meo, ăn uống qua loa cơm chỉ, mì tôm và chống chọi sự mỏi mệt bằng những hộp C sủi. Hà Nội của mấy tháng trước chen chúc xe buýt đề phòng móc túi, của buổi tối loanh quanh mấy thầy trò tưởng đi lạc trong khu phố cổ . Và Hà Nội của những ngày sắp tới chưa biết ra sao khi phải xa vợ con gần hai năm trời đằng đẵng, chỉ có dịp loanh quanh về lại dịp Tết, dịp hè.


Nhưng bây giờ, tôi sắp xa Qui Nhơn thân yêu của tôi, xa cái ổ chuột hè nóng hầm hập, đông lạnh căm căm mà cả nhà tôi cũng đã gắn bó suốt mười năm trời, làm dân núi ngay giữa thành phố Qui Nhơn đang từng ngày biến đổi. Tôi đã quen với cái lặng lẽ ban đêm để quên những âm thanh ồn ã của xe lam, xe máy, xích lô ồn ào lúc 4 – 5 giờ sáng khi còn sống dưới phố, giữa trung tâm thành phố. Tôi chưa hình dung được những ngày sắp tới khi phải chuyển đổi nếp sinh hoạt quen thuộc ngày ngày sẵn có vợ chăm, chiều chiều cả nhà quây quần bên nhau quanh mâm cơm sang cuộc sống của một anh chàng đi ở trọ. Không quên được cảm giác khi đêm đêm ngồi trước màn hình vi tính dõi theo diễn đàn của học trò, của cư dân mạng Bình Định. Làm một gã nghiện nét chính cống.


Cách đây nửa tháng thôi, những học trò của tôi đã giã biệt thầy bước chân vào mái trường Đại học ở Sài Gòn. Bây giờ thì thầy lại đi ra Hà Nội, cả ngàn cây số. Cũng lạ chả hiểu tại sao mình lại đa cảm thế! Hay do bây giờ trời nổi cơn giông. Lại nhớ đến thơ bạn mình : “Trời nổi cơn giông mùa hạ - Áo em màu tím u buồn…”. Có phải duyên số không, khi người con gái áo tím ngày xưa ấy đã là của mình, là mẹ của hai thằng cu vừa lì vừa ngố. Và cơn giông lại tới, mai mốt anh đi xa ba mẹ con, áo em có trầm tư một màu tím u buồn?


Mưa giông nửa đêm, ầm ì dai dẳng tiếng sấm âm âm. Nhà nhà đã đóng cửa, cũng chẳng mấy ai ngoài phố giờ này. Lại nhớ một thời bạt mạng văn thơ! Chẳng hiểu vì sao mà duyên số văn chương cứ vận vào mình, mà rõ ràng mình là một kẻ bất tài gặp vận. Trời xui đất khiến để làm tới hai chức phó chủ nhiệm của hai câu lạc bộ văn chương tỉnh nhà. Anh em lại “ưu ái” cho cái chân dẫn chương trình những đêm sinh hoạt thơ văn. Chẳng hiểu từ lúc nào, mình đã thôi la cà quán xá để mong ngóng những đêm 14 có CLB Xuân Diệu để được gặp anh em làm thơ văn đàm đạo. Cũng chẳng hiểu vì sao mình còn duy trì và thậm chí lôi kéo các em học sinh tới với thơ văn trong cái thời buổi “văn chương hạ giới rẻ như bèo” này? Thậm chí vợ còn than thở mình làm việc “ăn cơm nhà vác ngà voi”, đi “thổi tù và hàng Tổng”. Viết lách thì chả ra hồn, vậy mà có dịp bù khú cùng thi hữu là cảm thấy vui vui, tăng hai tăng ba sa đà chuyện trên trời dưới đất có khi đến sáng mới về. Có hôm nửa đêm phóng xe ào ào dưới ánh đèn vàng cao áp mà chẳng bao giờ cảm thấy bất an. Hình như Qui Nhơn vốn bình yên và sẵn chiều lòng những chàng có máu thơ văn , kể cả những lúc ngồi la cà xóm ga cũng vẫn thấy anh em xích lô, khuân vác và các tay anh chị giang hồ hoá ra lại cũng dễ thương đáo để. Chắc còn lâu lắm, mình mới lại được sống trong không khí đậm chất thơ, chất hào phóng giữa những anh em văn nghệ Qui Nhơn. Nhớ làm sao giọng ngâm thơ anh Ba Phất, anh Năm Bửu, mái tóc rũ lên rũ xuống của Lê Hoài Lương lúc ngồi uống rượu mà hiếm khi gục ngã cuối cùng. Nhớ cả những dịp gặp các em nhóm QNC – Quinhoncity mời làm người thử rượu “kiểm định chất lượng” ở quán Suối Trầu của văn sĩ , bay mất gần một lít Bàu Đá thứ thiệt. Quên sao bà chị A.M, ông anh Vân Hiền lặn lội từ Phù Cát vô là có dịp chứng kiến anh bồ sùng sục vì ghen, đòi ăn thua đủ với anh em nghệ sĩ. Mà bà chị cứ vô tư khơ khớ cười, lại ôm đàn ca hay hơn bao giờ hết những bài tình bất hủ của Trịnh Công Sơn để cuối cùng lời ca giọng hát chiến thắng anh chàng trót dại yêu bà chị nghệ sĩ.


Còn nhiều, còn nhiều lắm bao kỷ niệm Qui Nhơn. Và cả những lo lắng bồn chồn không tránh khỏi. Ông bà dạy phụ mẫu tại đường bất khả viễn du, nhưng biết làm sao khi thời gian không cho phép chần chờ. Vả lại lần này đi cũng là đem lại chút niềm vui cho cha, vốn kỳ vọng con cháu nối chí cha ông, xứng đáng là cháu nội cụ cử Hà Trì, là cháu của ông chú tiến sĩ viện sĩ viện Hàn lâm NewYork! Tự cười mình lỡ mang tiếng con cháu của nhánh họ Trần đỗ đạt cao nhất, nên đâm ra phải gánh trọng trách có danh gì với núi sông! Nhưng tất cả mới chỉ khởi đầu, bốc phét ba hoa không khéo lại lâm vào cảnh “Chưa đỗ ông nghè đã đe hàng Tổng”! Chỉ tự nhủ lòng mình: dù đi đâu xa cũng xứng đáng là một người mang dòng máu Bình Định, là dân xứ Nẫu để không hổ thẹn nơi đất khách xứ người. Chỉ lo cho mẹ sức khoẻ kém, lại cứ thương thằng út mà héo hon cả dạ.


Mưa tạnh rồi! Thôi đừng đa cảm nữa! Sấm rì rầm chưa biết sẽ báo hiệu điều chi?

                                                                           27.9.2006

Thứ Tư, 20 tháng 9, 2006

Bình thơ: Chuỗi Cười (Hàn Mặc Tử)

Hàn Mặc Tử


Chuỗi Cười

Lá đổ rào rào ,
Trăng vàng xôn xao .
Chuỗi cười ha hả
Trên cánh đồi cao .

Gió thổi vi vu ,
Thành quách hoang vu .
Chủ nhân đi vắng ,
Tiếng gươm rừng thu .

Hứng lấy sao băng !
Hứng lấy sao băng !
Ơi chàng võ sĩ
Máu đào đương hăng !

Lá đố rào rào ,
Trăng vàng xôn xao .
Chuỗi cười ha hả ,
Trên cánh đồi cao .

Khói bỏ tầng không ,
Lửa dậy trong lòng .
Ô hay tráng sĩ ,
Dừng mãi bên sông .

Lời ca Chiêm nữ
Tản với sương lam .
Lời ca thống thiết
Khóc chinh phu Chàm .

Lá đổ rào rào ,
Trăng vàng xôn xao .
Chuỗi cười ha hả
Trên cánh đồi cao .

Mầu sắc thắm kêu ,
Niềm ý như reo .
Anh hùng thiên hạ
Hiểu gì chữ "yêu" ?

Hứng lấy sao băng !
Hứng lấy sao băng !
Ơi cô sơn nữ ,
Hết gì ánh trăng ?

Lá đổ rào rào ,
Trăng vàng xôn xao .
Chuỗi cười ha hả
Trên cánh đồi cao ...


Đọc những dòng thơ của Hàn Mặc Tử trong Chuỗi Cười, chợt như được sống lại không khí đậm chất Chàm của vùng đất Đồ Bàn thời còn Chiêm quốc. Cảm hứng toàn bài rất lạ, không phải là tâm trạng u uất nhớ một thuở Điêu tàn như Chế Lan Viên, cũng không hẳn bàng bạc một ánh trăng Bình Định làm chạnh lòng thi sĩ. Điệp khúc về chuỗi cười quả thật tạo nên một ám ảnh kỳ lạ:


 


Lá đổ rào rào ,


Trăng vàng xôn xao .


Chuỗi cười ha hả


Trên cánh đồi cao ...


Đó là một không gian thơ đậm chất của Hàn – vang động, xôn xao và có chút rờn rợn như tái hiện bao hoài niệm về một thời quá vãng. Thậm chí còn tạo liên tưởng về ngựa hí, quân reo một vùng chiến địa. Tôi đã từng thử cảm giác trong một buổi chiều đồi cao nắng quái, đứng trong lòng một tháp Chàm mà hú lên vang động cả lòng tháp. Tiếng vọng từ vách gạch nung như dội tự thượng tầng không khí xuống làm chạy suốt sống lưng một cảm giác lạnh đến rùng mình. Ngỡ mình đối diện với hư vô. Bây giờ đọc những câu thơ của Hàn, lại nghĩ mình đang trở về cùng không khí ấy:


Gió thổi vi vu ,
Thành quách hoang vu .
Chủ nhân đi vắng ,
Tiếng gươm rừng thu


Chính là cái hoang lạnh khi cảm nhận được  nghìn xưa trên phế tích. Và phảng phất vẻ kiêu bạc hào hoa miền đất võ , với đường gươm võ sĩ loang loáng ánh thép lạnh như sao băng rơi rụng. Hàn Mặc Tử chắc hẳn đã thấm đẫm trong mình bao huyền thoại của vùng đất kinh thành Đồ Bàn, cũng thấm đẫm cái bi tráng thuở trời đất nổi cơn gió bụi của Chinh phụ ngâm, của thơ biên tái Vương Xương Linh đời Đường “Yên hoả thành Tây bách xích lâu” (Khói lửa thành Tây vọi vọi lầu), của Hiệp khách hành (Lý Bạch) nên chỉ bằng vài nét phóng bút đã tái hiện nguyên bản buổi biệt li chỉ qua một sắc sương lam:


Khói bỏ tầng không ,
Lửa dậy trong lòng .
Ô hay tráng sĩ ,
Dừng mãi bên sông .

Lời ca Chiêm nữ
Tản với sương lam .
Lời ca thống thiết
Khóc chinh phu Chàm .


Ta nghe được nỗi lòng chinh phụ Chiêm quốc như thoảng trong tiếng cười tiếu ngạo, chuỗi cười ha hả rền vang như u hồn của những quốc vương  Chiêm Thành Chế Mân, Chế Bồng Nga, Trà Toàn từng khuynh đảo biên thùy Đại Việt. Chuỗi cười ha hả ngỡ như kiêu hãnh kia lại vụt hiện nỗi chua chát oán thán của người tráng sĩ Chiêm Thành trong thời khắc ra đi nhằm thoả chí tranh bá đồ vương của bậc quân vương:


Anh hùng thiên hạ


Hiểu gì chữ “yêu”?


Bởi vậy Lá đổ rào rào, trăng vàng xôn xao cũng chỉ để chuỗi cười ha hả kia thêm bi phẫn! Đường gươm rụng ánh sao băng kia hoá ra lại là vũ khúc li biệt! Lời ca Chiêm nữ hoà tiếng gươm rừng thu tan chảy thành biệt khúc khóc chinh phu. Than ôi! Tình là cái chi chi? Mà tan chảy chí kiêu hùng để hai châu Ô, Rí được đem đánh đổi lấy trái tim nàng công chúa Đại Việt? Vậy mà trái tim ấy không tan chảy vào ngọn lửa hoả thiêu cùng Chiêm vương, mà lại thổn thức hoà chung nhịp với vị tướng Đại Việt vượt biển đưa nàng về cố quốc. Anh hùng còn lụy ải mỹ nhân là thế, sao không hiểu chữ “yêu” mà dấy động can qua? Cảm hứng hoà quyện quá khứ - hiện tại làm nên một liên tưởng siêu thực trong đường gươm phủ ánh sao băng, bóng trăng vàng quyện vào bóng hình sơn nữ. Để bất chợt thành tiếng cười bất tận của Hàn Mặc Tử lay động cả không gian đầy trăng gió, lan toả bao xúc động cùng nỗi niềm li biệt ngàn xưa.


                                      Kỷ niệm 94 năm sinh Hàn Mặc Tử 22.9.2006

                                                                        Trần Hà Nam

Thứ Sáu, 1 tháng 9, 2006

Tình mẫu tử




Mẹ con cún

Bài quyền số 2




Taekwondo




Quyền Taekwondo của học viện Kikowan

Sinh hoạt CLBVH Xuân Diệu

Start:     Sep 14, '06 04:00a

Tập trung học Cao học

Start:     Oct 6, '06 05:00a
Ngày 6 tháng 10 năm 2006, nhập học lớp Cao học tại Hà Nội.

Lịch tháng Chín

Start:     Sep 5, '06 07:00a
End:     Oct 5, '06
Dạy học ở trường

Thứ Bảy, 19 tháng 8, 2006

Số nhà mới

Hôm nay đã chính thức có số nhà mới sau 10 năm ở trong tình trạng "nhà không số, phố không tên". Đường rộng nhưng vì chậm chân nên hoá thành đường hẻm, nhưng dẫu sao cũng là một niềm an ủi! Bây giờ có thể đường hoàng ghi vào thư: SỐ NHÀ 237/5 đường HOÀNG VĂN THỤ, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Hơ hơ! xem xét một cách phiên phiến thì số nhà này là 7 nút (ba chìm, bảy nổi, chín lênh đênh). Bravo!

Thứ Sáu, 18 tháng 8, 2006

Nhớ gì trong mưa?

Đâu cơn mưa ngày cũ
lung linh em
tóc mềm
nụ cười thiếu nữ
Ta
một thời lãng tử
đi trong mưa
chạm ánh mắt em chẳng dám nhìn


Để bây giờ
nhìn mưa lại nhớ
mái tóc mềm
ánh mắt ngày xưa...

Nhớ Biển

Xa cả ngàn cây số
Nhớ tiếng sóng nôn nao
Nhớ cát vàng nắng chói
Nhớ hàng dương thì thào


Bao giờ về với Biển
Bao giờ về với em
Ta sẽ ngồi lặng lẽ
Trước biển thật bình yên


Thèm một cơn gió mát
Ta với biển tâm tình
Nghe sóng lòng dào dạt
Giữa bốn bề lặng thinh

Hà Nội, ngày nhớ Quy Nhơn

T.H.N

Buồn

Buồn
Buồn như thể một đêm tôi ngồi nhớ
những gương mặt đã qua những hình bóng nhạt nhoà
cứ giản dị sống là mình sau bao nhiêu lầm lỡ
nhưng vẫn buồn như một gã ngu ngơ
Buồn
Buồn như thể một đêm nghe lời hát cũ
em đâu rồi người con gái ngày xưa?
điệu hát không níu về cho tôi người con gái năm nào tôi đã biết
em chỉ trở về trong thơ!
Buồn
Buồn như thể ta không còn buồn hơn được nữa
những nỗi buồn quánh đặc, mù câm
nồng nặc khói bao trùm lên dĩ vãng
đầu độc thơ ta giá lạnh chút tình nồng
Buồn ơi ta không chào mi
Ta sẽ đi và sẽ hát
"Lời ru buồn nghe mênh mang..."

MƯA HOÀI NIỆM

Lòng cuồng điên vì nhớ
(trích
Hoài Cảm - Cung Tiến)
Chiều nay nao lòng vì một cơn mưa
Ì ầm sấm
cồn cào bao nỗi nhớ
Chiều nay chợt ngẩn ngơ như đứa trẻ
Xa rồi! xa rồi... ta ơi
Mưa ứơt đầm bao kỷ niệm
chỉ còn tôi
lặng lẽ ngắm những lứa đôi ríu rít
Họ lại đi trong mưa tay khắng khít
Ánh mắt nào...
Thôi nhé! Cố nhân ơi!

Quy Nhơn 2005

I.


Bài thơ sinh nhật muộn của tôi


Có thể rồi tôi không còn làm thơ buồn nữa


Không còn những giờ phút được ngồi cùng bạn bè chén thù chén tạc


Tôi đi vào quĩ đạo mỏi mòn của những kẻ tầm thường


Tự an ủi mình bằng niềm vinh quang huyễn hoặc


Không còn được ngâm câu thơ yêu thích


Thôi thì đành thở dài vậy thôi!


Thôi cũng đành thôi mà không thôi được


Thơ không ra hồn người chẳng ra chi


Tự buộc mình vào khuôn sáo


Chỉ biết ngoài kia là biển


Sóng cứ nao lòng


Chỉ biết mình đã qua một thời vụng dại


Mà nụ hôn em ngày ấy còn gắn mãi bờ môi...


II.


Lại trở về cùng thơ


Như một ám ảnh


giận buồn thương tả pí lù


Đầu rỗng đặc những lập ngôn lập thuyết


Thơ ơi em cần chi ?


III.


Như một thuở mình đã hồn nhiên sống


Yêu thơ hay tê lặng người


Không cần nói


Để nghe thơ ngấm vào mạch máu


Nhìn mưa rơi bao xúc cảm cuộn trào


Bao nhiêu lần làm thơ mưa ngỡ như giọt nước mắt


Để bây giờ mình ráo hoảnh giữa nhân gian!

TRẦN HÀ NAM

Thứ Hai, 24 tháng 7, 2006

Con đã lớn

Năm nay có nhiều điều phải lo, khi con vào lớp 8. Tuổi này con có nhiều lúc muốn khẳng định mình. Đây lại là năm bản lề để con chuẩn bị cho bước chuyển quan trọng của cuộc đời mình: định hướng vào cấp THPT. Nhưng đôi khi ba thấy con chủ quan và bắt đầu có dấu hiệu chững lại. Ba muốn con Uy đã lớn phải thật sự chuẩn mực trong lời ăn tiếng nói và hành động. Đôi khi thấy hai anh em chỉ lủi thủi chơi với nhau cũng cảm thấy thương, vì con vẫn là một đứa con ngoan so với con cái nhiều gia đình khác. Nhưng ba mẹ lo cho con chậm trong giao tiếp ứng xử thì sẽ thiệt thòi. Học giỏi là tốt, nhưng cần phải có chí tiến thủ nữa con trai ạ! Và phải biết quan hệ bạn bè với tư cách chững chạc khiến bạn bè nể phục. Anh Hai lại phải làm gương cho em, kèm cặp em làm sao cho em phục con nữa chứ! Đôi khi la mắng con rồi lại thấy thương. Nhưng hãy biết rằng, thâm tâm ba mẹ chỉ mong muốn con thật sự trưởng thành.


Chúc mừng con trai hôm nay được lên đai! Vững vàng và bản lĩnh xứng đáng là con trai đất võ, là người đã học võ nhé!


Ba Nam

Thứ Bảy, 22 tháng 7, 2006

Thứ Sáu, 21 tháng 7, 2006

Thứ Hai, 17 tháng 7, 2006

Hai-kư

( I )


Mùa hè nóng nung người


Không bằng lửa bốc trong cuồng tưởng


Đốt cháy nỗi buồn ta!


( II )


Khi những chiếc lá héo vì nắng


Ta thèm giọt nước nguồn yêu


Lòng rồi sẽ xanh rêu.

Thứ Sáu, 14 tháng 7, 2006

Bình thơ: Giọt lệ nàng Vân

Bình thơ:


Giọt lệ nàng Vân


Một lời chị cậy trao duyên


Chẳng yêu – em phải trọn nguyền chàng Kim


Gối chăn xô lệch bao đêm


Nỗi đau hạnh phúc im lìm, Kiều ơi!


 


Chị dù luân lạc xa xôi


Vẫn làm đau đáu mắt người tình xưa


Còn em là vợ - như thừa


Lấy người yêu chị sớm trưa bẽ bàng!


 


Bao lần chị trổi tiếng đàn


Cung Thương rỏ máu lỡ làng bi thương


Em không lụy kiếp đoạn trường


Mười lăm năm vẫn phấn hương nhạt màu


 


Em không là mối tình đầu


Không là tình cuối – sao sầu triền miên


Chị từng xót mộ Đạm Tiên


Có đau vì đứa em hiền thế thân?


 


Đa đoan Kiều vướng nợ trần


Vân em – cũng bóng mây Tần thế thôi!


Sóng Tiền Đường cuốn chị trôi


Ba trăm năm biết ai người khóc em?


     Tháng 6 - 2004


Đặng Quốc Khánh


 


Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du đã nhận được bao tấm lòng đồng cảm của thế hệ sau. Trong một hướng tiếp cận mới, các thi nhân đời nay lại dành nhiều sự cảm thông hơn cho nàng Thúy Vân - vốn được xem như là đối trọng của Thúy Kiều về sắc – tài, tình - hiếu. Bởi lẽ bắt đầu từ đêm trao duyên thấm đẫm nước mắt của Kiều cũng là bắt đầu những giọt nước mắt đoạn trường – phía khuất của một bi kịch số phận nữ nhi: bi kịch Thúy Vân. Đã từng có một Tâm sự nàng Thúy Vân của Trương Nam Hương đã mổ xẻ tấn bi kịch này. Và bây giờ là Giọt lệ nàng Vân của Đặng Quốc Khánh! Hình như với hướng tiếp cận này, người đọc mới thấm thía hơn ý nghĩa tên gọi mà Nguyễn Du chính thức đặt cho tác phẩm của mình : Đoạn trường tân thanh (Tiếng nói mới về một nỗi đau đứt ruột).


        Không phải ngẫu nhiên mà khi viết về Truyện Kiều, cảm về nàng Kiều thì hầu hết các nhà thơ đều chọn thể thơ lục bát để chuyển tải thông điệp tri âm với tấm lòng Nguyễn Du. Và như thế mỗi người lại có một nàng Kiều khác trong lòng mình. Nhưng ở đây là cảm về Thúy Vân, nói về Thúy Vân, Đặng Quốc Khánh đã có một hướng cảm khác hơn so với Trương Nam Hương. Thi sĩ họ Trương vẫn chủ yếu đem đến một Thúy Vân hiền lành chịu đựng đến đáng thương, còn Đặng thi sĩ cho ta một Thúy Vân đau đáu nỗi niềm như gào thét, bàng hoàng cho bi kịch chính mình! Tôi nghĩ anh cũng phải là người đã nằm lòng Truyện Kiều lắm lắm mới dám phác hoạ một chân dung Thúy Vân với tất cả những phát hiện khá độc đáo của mình. Tư duy của Đặng Quốc Khánh tỉnh hơn trong sự phân tích biện chứng từ mối quan hệ tình chị - duyên em này.


        Người đời dễ cảm thông Kiều mà quên lãng Thúy Vân. Nàng cũng tưởng chừng chìm vào sự quên lãng của chính tác giả Truyện Kiều khi kết thúc tác phẩm với màn đại đoàn viên: Này chồng, này mẹ, này cha/ Này là em ruột này là em dâu… Phải chăng vì thế mà nỗi đau lặng lẽ của nàng Vân sẽ mãi mãi không bao giờ chấm dứt? Ta ngỡ giọt lệ thầm của Thúy Vân bắt đầu từ đây: Nỗi đau hạnh phúc im lìm Kiều ơi!. Người em song sinh Thúy Vân tuy không được Nguyễn Du tô đậm những phẩm chất đa sầu đa cảm như Kiều, nhưng có lẽ nào nàng không cảm nhận thấm thía thân phận đàn bà khi phải trả giá Mười lăm năm vẫn phấn hương nhạt màu!? Đặng Quốc Khánh đã nhận ra sức nặng của bi kịch đời sống gia đình nhạt nhẽo trong hàng loạt những cảm giác: gối chăn xô lệch, bẽ bàng, phấn hương nhạt màu, sầu triền miên, bóng mây Tần. Nỗi đau bắt đầu từ một sự hy sinh mà phũ phàng thay lại không được một dòng an ủi, không có giọt lệ nào dành riêng cho Thúy Vân! Bản thân nàng cũng không dám khóc một lần cho riêng mình trong suốt Truyện Kiều. Chàng Kim có lẽ không phải kẻ vô tình, nhưng trái tim có qui luật của nó, để chừng ấy năm sống cùng Thúy Vân là chừng ấy năm chàng đi tìm tin tức Kiều nhi - tưởng người dưới nguyệt chén đồng. Cái trớ trêu của mối duyên hờ Kim Trọng – Thúy Vân lại bắt nguồn từ khoảnh khắc cậy em, em có chịu lời của Kiều – mà Đặng Quốc Khánh đã lảy ra rất khéo làm nên khởi đầu của giọt-lệ-nàng-Vân : Một lời chị cậy trao duyên…


        Thế mới hay, trong cái lặng thầm của duyên - phận Thúy Vân, cũng dồn chứa bao nỗi đau, bao cảm giác lỡ làng bi thương, đáng nói nhất là tình trạng cuộc sống chồng chung chưa dễ ai chiều cho ai của hai chị em sau màn đại đoàn viên cũng tiềm ẩn bi kịch và quả là một kết thúc không có hậu cho Thúy Vân:


Em không là mối tình đầu


Không là tình cuối – sao sầu triền miên?


        Có lẽ muôn sau cũng không ai trả lời cho câu hỏi này xung quanh số phận Thúy Vân. Bởi thế, tác giả Giọt lệ nàng Vân cũng đã mượn ý Tố Như cất lên câu hỏi giùm nàng: Ba trăm năm biết ai người khóc em? Vâng, nàng đơn độc hơn cả Thúy Kiều bởi suốt đời không tìm được kẻ tri âm cho riêng mình. Phải chăng khi Kiều tìm lại được chàng Kim thì nàng Vân mới thấm thía cảm giác ai tri âm đó, mặn mà với ai? Đoạn trường tân thanh là thế chăng?


                                                        Trần Hà Nam

Thứ Ba, 11 tháng 7, 2006

Cha mẹ




Kết thúc và khởi đầu

Như vậy là lại kết thúc một năm học, một khoá học, khi những học trò đã thi xong kỳ thi Đại học. Mình cũng đã xong kỳ thi Cao học. Hy vọng rằng kết thúc của một chu trình thì những điều tốt đẹp sẽ đến! Để rồi sẽ mở ra một chặng đường mới tốt đẹp hơn. Thật vui khi những ngày ta sống có những nguồn vui những chuyện buồn được chia sẻ! Dù sắp tới cả thầy cả trò đều xa trường nhưng chắc chắn rằng những kỷ niệm, những thành công quá khứ sẽ là nguồn động lực giúp ta phấn đấu tốt hơn ở chặng đường tiếp theo!

Thứ Bảy, 8 tháng 7, 2006

Thứ Hai, 3 tháng 7, 2006

Đồng hành

Đồng hành cùng tôi bao bạn bè lặng lẽ


Những trái tim ủ hơi ấm cho đời


Có thể đến một lúc nào mệt mỏi


Ta lại cần một chỗ để dựa vai


7.2006

Thứ Năm, 29 tháng 6, 2006

HÀ NỘI ONLINE

Người nghệ sĩ lang thang hoài trên phố
Bỗng thấy mình chẳng nhớ nổi một tên đường
(Phan Vũ - Phú Quang )
Hà Nội ơi
Ta lại về
Những mặt phố những tên đường
Bụi phủ mờ lên bao kỷ niệm
Còn không Hà Nội ơi?
Những cơn mưa phố phường xanh sắc lá
Vòng quay chiếc xe đạp nôn nao lạ
Người con gái ngày xưa...


Hà Nội ơi
Nóng lạnh đổi thay nhịp đời hối hả
Bao lần đến bao lần đi vội vã
Hà Nội xa xăm trong sương sớm Hồ Tây
Cứ ao ước một ngày nao gặp lại
Nghe một giọng cười một tiếng nói Thủ đô...


Hà Nội ơi
Ta vô tình quá nhỉ
Tự nhốt trong bốn bức tường nối mạng với thời gian
Tiếng sáo Trương Chi nào lọt qua cửa sổ văn phòng cao ốc
Dẫn những vần thơ lang thang, lang thang...
Ta gặp lại bóng hình xưa Hà Nội
Để biết trong ta em vẫn nồng nàn...

Hà nội, một ngày tháng Tư

KHÔNG ĐỀ LÃNG NHÁCH

Rồi sẽ phải đến lúc thôi, em nhỉ
Có gì đâu anh cũng giống mọi người
Cũng hằn học bon chen và tính toán
Và đôi khi chẳng dám sống là mình


Rồi một ngày ta thất vọng về nhau
Ừ, đâu phải thế là ta mất hết
Tình yêu đến, tình yêu đi nào biết
Có những gì đón đợi phía chân trời?


Em đừng ôm quá khứ em ơi
Anh đã lãng quên như kẻ vô tình nhất
Tình nồng mấy cuối cùng rồi cũng nhạt
Mỗi một người đều có khoảng trời riêng

Xin hãy để cho ngày tháng cũ ngủ yên
Đừng gợi lại những vị đời đắng chát
Anh ngày mai sẽ là con người khác
Cũng tầm thường vô vị thế thôi em!

5.06

Sinh nhật




Coi thi

Start:     Jul 1, '06 5:00a
End:     Jul 10, '06
Làm sát thủ

Thứ Tư, 28 tháng 6, 2006

Gia đình


Các siêu quậy về quê!

Hình ảnh gia đình

Quy Nhơn hồn biển

Rating:★★★★★
Category:Books
Genre: Arts & Photography
Author:Trần Hà Nam
Những bài thơ về Quy Nhơn sẽ viết ở đây

Chủ Nhật, 25 tháng 6, 2006

Thầy và Bạn


Trước Căn-tin

Kỷ niệm 15 năm ra trường Đại học

Mỗi một ngày hằng sống

Mỗi một ngày hằng sống giúp ta cảm nhận niềm vui cuộc đời. Thật là vui khi có những người bạn mới!


Đôi khi, mỏi mệt khiến ta thèm một chút thời gian cho riêng mình, nhưng rồi tự nhủ: cũng là góp mặt với đời.


Tuổi trẻ dần trôi, nhìn lại mình đã bắt đầu chớm bước vào ngưỡng "tứ thập nhi bất hoặc". Chặng đường sắp tới còn nhiều thử thách. Đành phải nhủ lòng mình: cố lên!


Có bao người yêu mến là bấy nhiêu niềm vui. Hãy luôn nở nụ cười

Lịch của Nam

Start:     Jun 30, '06 7:00a
End:     Jul 16, '06 11:00a
Location:     Việt Nam
Không đi nữa, ở nhà lên room

Thứ Bảy, 24 tháng 6, 2006

Thứ Năm, 22 tháng 6, 2006

Thứ Tư, 21 tháng 6, 2006