Thứ Sáu, 11 tháng 5, 2007

Kỷ niệm Thâm Tâm

 


 Ngày 12 tháng 5 là kỷ niệm 90 năm ngày sinh của nhà thơ Thâm Tâm. Bóc tờ lịch, nhìn lên mà giật mình! Thâm Tâm theo tôi hiểu như thế nào?


Thâm Tâm Nguyễn Tuấn Trình (1917 -1950) tuy chỉ 34 tuổi ta, nhưng ông đã kịp sống trọn với thời đại của mình bằng những vần thơ mang theo nỗi niềm của cả một thế hệ. Tôi nhớ cảm giác khi đọc những câu thơ Thâm Tâm trong Tống biệt hành  in trong Thi nhân Việt Nam, rợn hết người vì giọng thơ mang âm hưởng bi thiết biết bao!


Đưa người ta không đưa qua sông


Sao có tiếng sóng ở trong lòng ?


Cái khẩu khí của một lớp thanh niên trước Cách mạng tháng Tám ấy mà Thâm Tâm là tiêu biểu cho tôi biết rằng ngày ấy lớp cha anh sống mạnh mẽ biết bao và cũng đau đớn biết bao! Sách vở nhà trường thời chúng tôi học chỉ có những bài thơ Tố Hữu tràn đầy tinh thần lạc quan cách mạng, thế hệ học trò sau này biết thêm những nỗi lòng con người tiểu tư sản thành thị, lãng mạn không chỉ trong cái giọng điệu đắm đuối yêu đương thương hoa tiếc ngọc mà còn bừng bừng khí thế quyết ra đi làm một cái gì đó lớn lao hơn cho cuộc đời mình. Dù cho bừng bừng lúc ấy rồi sau này đành trở thành “tiếng thở dài chống chế độ thuộc địa” nhưng ít ra giọng thơ Thâm Tâm cũng đem lại một nét riêng của một nhóm nhà thơ - những người bạn Cống Trắng Khâm Thiên: Nguyễn Bính, Trần Huyền Trân, Thâm Tâm. Đó là những người bạn chìm trong men sầu mà vẫn khát khao làm một điều gì lớn hơn cho cuộc sống quẩn quanh bế tắc của mình, để rồi “nhớ nhau vẩy bút làm mưa gió”:


Các anh hãy chuốc thật say


Cho tôi những cốc rượu đầy rồi im


Giờ hình như quá nửa đêm


Lòng đau đau lại con tim cuối mùa


Hơi đàn buồn như trời mưa


Các anh tắt nốt âm thừa đi thôi…


(Các anh – Thâm Tâm)


Khi giảng bài về Thâm Tâm, tôi lại có dịp tiếp xúc hàng loạt những tác phẩm khác trong một tuyển thơ mỏng manh mà chất chứa bao ngột ngạt bức bối. Tôi hình dung một Thâm Tâm bên trong cái kiêu hùng là con người giàu cảm xúc, bên trong cái “tâm tình lạnh nhạt” và cái tư thế ra đi “không bao giờ nói trở lại” lại là con người nặng tình. Bài thơ cuối cùng của Thâm Tâm viết trong kháng chiến chống Pháp thật đằm thắm “mối tình Việt Bắc”. Bởi thế, trong mạch khai thác cái tôi trữ tình của tác giả, tôi hoàn toàn không đồng tình với một ý giải thích thô vụng trong sách giáo khoa về Tống biệt hành là để “tiễn một người bạn lên chiến khu” - một lối giải thích không giúp ích cho việc khám phá văn bản mà tạo điều kiện cho người ta tán dương tinh thần cách mạng, ý chí chiến sĩ - yếu tố chiếm địa vị thứ yếu trong bài thơ. Trước sau, trong bài thơ vẫn hiện lên chân dung con người lãng mạn đích thực, con người của những xung đột nội tâm giằng xé!


Hiểu Thâm Tâm còn nhiều hướng tiếp cận khác. Nhưng tôi cứ ám ảnh 2 câu thơ trong Vọng nhân hành viết 4 năm sau bài thơ Tống biệt hành, như một nối tiếp tâm trạng và chính là cách cắt nghĩa đầy đủ hơn hình tượng “ly khách” trong bài thơ:


Sông Hồng chẳng phải xưa sông Dịch


Ta ghét hoài câu “nhất khứ hề…”


(Vọng nhân hành - Thâm Tâm)


 Chín mươi năm ngày sinh chỉ là  một mốc thời gian kỷ niệm về một người vào cuộc tống -biệt quá sớm, để giờ đây chúng ta lại có dịp ngâm lên khúc Vọng-Nhân Hành!


Trần Hà Nam

1 nhận xét:

  1. Bạn vẫn hoài niệm về những nhà thơ xưa, những người đi mở đường cho phong trào thơ mới Việt Nam. Ở đây không chỉ là nghĩa thuỷ chung mà thực tế những áng thơ thuở ấy vân làm cho thế hệ ngày nay rung cảm sâu sắc đến tuyệt với. Văn chương là vậy .

    KH

    Trả lờiXóa