Thứ Hai, 28 tháng 5, 2007

Thứ Bảy, 12 tháng 5, 2007

Cha con Lão Tà




Ba đứa Tà: Tà cha, Tà anh và Tiểu tử Tà

Mẹ tôi




Người đã hy sinh cả đời và đang lo lắng cho tôi từng ngày

Ngày của Mẹ

Lâu lâu lắm mới được về thăm Mẹ
Mẹ của con tuổi sắp tám mươi rồi!
Dù đi đâu tận chân trời góc bể
Con vẫn là thằng Út của Mẹ thôi!

Ngày của Mẹ bao lời con muốn nói
Vẫn thầm mong Mẹ khoẻ mạnh tươi vui
Con ngàn dặm quyết không làm buồn Mẹ
Không bao giờ sa ngã cạm bẫy đời!

Con yêu Mẹ !
Mẹ yêu ơi con biết
Mình muôn đời vẫn chỉ trẻ con thôi
Trong mắt Mẹ con bao giờ cũng thế
Nên Mẹ luôn tha thứ nếu con sai!

Hà Nội vẫn đang chuyển mùa nóng lạnh
Quy Nhơn mùa mưa đã đến rồi
Mẹ một mình, con một mình, xa ngái
Một lòng Thương luôn bên Mẹ muôn đời.

Thứ Sáu, 11 tháng 5, 2007

Kỷ niệm Thâm Tâm

 


 Ngày 12 tháng 5 là kỷ niệm 90 năm ngày sinh của nhà thơ Thâm Tâm. Bóc tờ lịch, nhìn lên mà giật mình! Thâm Tâm theo tôi hiểu như thế nào?


Thâm Tâm Nguyễn Tuấn Trình (1917 -1950) tuy chỉ 34 tuổi ta, nhưng ông đã kịp sống trọn với thời đại của mình bằng những vần thơ mang theo nỗi niềm của cả một thế hệ. Tôi nhớ cảm giác khi đọc những câu thơ Thâm Tâm trong Tống biệt hành  in trong Thi nhân Việt Nam, rợn hết người vì giọng thơ mang âm hưởng bi thiết biết bao!


Đưa người ta không đưa qua sông


Sao có tiếng sóng ở trong lòng ?


Cái khẩu khí của một lớp thanh niên trước Cách mạng tháng Tám ấy mà Thâm Tâm là tiêu biểu cho tôi biết rằng ngày ấy lớp cha anh sống mạnh mẽ biết bao và cũng đau đớn biết bao! Sách vở nhà trường thời chúng tôi học chỉ có những bài thơ Tố Hữu tràn đầy tinh thần lạc quan cách mạng, thế hệ học trò sau này biết thêm những nỗi lòng con người tiểu tư sản thành thị, lãng mạn không chỉ trong cái giọng điệu đắm đuối yêu đương thương hoa tiếc ngọc mà còn bừng bừng khí thế quyết ra đi làm một cái gì đó lớn lao hơn cho cuộc đời mình. Dù cho bừng bừng lúc ấy rồi sau này đành trở thành “tiếng thở dài chống chế độ thuộc địa” nhưng ít ra giọng thơ Thâm Tâm cũng đem lại một nét riêng của một nhóm nhà thơ - những người bạn Cống Trắng Khâm Thiên: Nguyễn Bính, Trần Huyền Trân, Thâm Tâm. Đó là những người bạn chìm trong men sầu mà vẫn khát khao làm một điều gì lớn hơn cho cuộc sống quẩn quanh bế tắc của mình, để rồi “nhớ nhau vẩy bút làm mưa gió”:


Các anh hãy chuốc thật say


Cho tôi những cốc rượu đầy rồi im


Giờ hình như quá nửa đêm


Lòng đau đau lại con tim cuối mùa


Hơi đàn buồn như trời mưa


Các anh tắt nốt âm thừa đi thôi…


(Các anh – Thâm Tâm)


Khi giảng bài về Thâm Tâm, tôi lại có dịp tiếp xúc hàng loạt những tác phẩm khác trong một tuyển thơ mỏng manh mà chất chứa bao ngột ngạt bức bối. Tôi hình dung một Thâm Tâm bên trong cái kiêu hùng là con người giàu cảm xúc, bên trong cái “tâm tình lạnh nhạt” và cái tư thế ra đi “không bao giờ nói trở lại” lại là con người nặng tình. Bài thơ cuối cùng của Thâm Tâm viết trong kháng chiến chống Pháp thật đằm thắm “mối tình Việt Bắc”. Bởi thế, trong mạch khai thác cái tôi trữ tình của tác giả, tôi hoàn toàn không đồng tình với một ý giải thích thô vụng trong sách giáo khoa về Tống biệt hành là để “tiễn một người bạn lên chiến khu” - một lối giải thích không giúp ích cho việc khám phá văn bản mà tạo điều kiện cho người ta tán dương tinh thần cách mạng, ý chí chiến sĩ - yếu tố chiếm địa vị thứ yếu trong bài thơ. Trước sau, trong bài thơ vẫn hiện lên chân dung con người lãng mạn đích thực, con người của những xung đột nội tâm giằng xé!


Hiểu Thâm Tâm còn nhiều hướng tiếp cận khác. Nhưng tôi cứ ám ảnh 2 câu thơ trong Vọng nhân hành viết 4 năm sau bài thơ Tống biệt hành, như một nối tiếp tâm trạng và chính là cách cắt nghĩa đầy đủ hơn hình tượng “ly khách” trong bài thơ:


Sông Hồng chẳng phải xưa sông Dịch


Ta ghét hoài câu “nhất khứ hề…”


(Vọng nhân hành - Thâm Tâm)


 Chín mươi năm ngày sinh chỉ là  một mốc thời gian kỷ niệm về một người vào cuộc tống -biệt quá sớm, để giờ đây chúng ta lại có dịp ngâm lên khúc Vọng-Nhân Hành!


Trần Hà Nam

Một quyết tâm mới chăng?

Dạo này mình cứ ra sao ấy! Sức khoẻ kém hẳn, phá sức một ngày đầu tiên ra Hà nội, chào mừng ngày tái ngộ ghê quá! Chẳng giống một lão sinh viên mà cứ ngỡ mình như thời sung sức nhất. Phổi có tiếng thở khò khè, nhịp tim có dấu hiệu rối loạn! Loạn nhịp tim. Ôi trời!


Chẳng tử tế gì khi khiến những người thân yêu phải lo lắng. Nên đã quyết tâm giảm thuốc lá rồi nếu được thì bỏ hẳn. Nhưng chả biết đây là lần quyết tâm thứ mấy nữa! Hồi xưa, lão huynh Tiếp bảo là : chú mày làm sao bỏ thuốc được. Dạy văn như chú mày thì chỉ có hút tăng thêm mà thôi! Hồi gần trưa, gặp Dũng cũng công bố chuyện bỏ thuốc, nó cũng cười ngất và bảo: mày làm sao mà bỏ thuốc được! Hừ, kỳ này thử xem mình quyết tâm đến đâu, vậy mà quyết tâm này coi bộ bà con không khoái! Nghĩ lại mình, bắt đầu biết hút thuốc từ cuối năm thứ nhất Đại học, 6 tháng sau thành cao thủ thuốc rê. Đến giờ, bạn bè bỏ thuốc nhiều, còn mỗi mình bướng bỉnh.


Nhưng từ bỏ một thói quen xấu thì cũng không phải là không được: này nhé, hồi xưa học trò phát sợ khi 1 tiết thầy hút thông từ 3 - 4 điếu thuốc. Còn bây giờ, lên lớp thì không hút thuốc (có điều, mỗi tiết giải lao 5 phút là lại đốt 1 điếu rồi vào giảng). Nghe cấm thuốc 31.1 ở ĐHSP, đã mừng mừng vì làm tăng quyết tâm của mình, ai dè các giáo sư còn hút thuốc ác liệt hơn trò (thầy Cư dạy Triết còn triết luôn: cậu nào hút thuốc giống tôi đều...thông minh! Đểu thế!)


Vậy ai sẽ giúp ta trong đợt hạ quyết tâm này? Hừ, nhưng mỗi khi buồn thì lại muốn tìm đến với thuốc lá, hút một điếu, năng ngực nhưng nhẹ lòng hơn! Có lẽ phải như xây dựng CNXH, phải kinh qua nhiều giai đoạn, thời kỳ quá độ thì cố gắng thúc đẩy nhanh! Có thành công không nhỉ?

Thứ Sáu, 4 tháng 5, 2007

Ngày nhàn post thơ bạn

Nhân đang nhàn rỗi, đọc lại thơ bạn bè chiến hữu, post lên mấy bài để ra Hà Nội đọc lại:
TRẦN VIẾT DŨNG - tập thơ LÃNG ĐÃNG GIỮA ĐỜI
BẮT ĐẦU
bắt đầu bàn tay nâng trái cấm
loài người từ đó biết khổ đau

bắt đầu từ một ngày vỡ giọng
chú dế buồn tiếng hát gửi về đâu?

bắt đầu từ mặt-trời-môi-đỏ
đọng lại thành nỗi nhớ đêm sâu

bắt đầu từ mắt em đắm đuối
trăm năm sau tưởng tiếc nụ hôn đầu

bắt đầu tiếng thủy tinh chạm cốc
nghe chia ly bè bạn cuối con tàu

ngõ hạnh tôi em bắt đầu bước lại
cây đau thương cũng từ đó...bắt đầu
T.V.D
MỘT NỬA
Nửa đời người mới gặp người
Nở trên môi nửa nụ cười. Buồn ơi.
Những câu thưa nhắn nửa vời
Nửa vòng tay mở đón mời lại buông
Trái tim một nửa ghen hờn
Nửa vầng trăng Ngọc trong cơn khát thèm
Nửa hồn sa lưới êm đềm
Nửa ngày ngơ ngẩn, nửa đêm mơ màng
Bài thơ một nửa lạc vần
Nhuộm lên mái tóc nửa phần thôi xanh
Nửa thiên thần ở trong anh
Giấu che nửa quỉ Sa-tan cùng người.
T.V.D
Tiếp tục bài thơ chính xác trong tập Rượu đắng của Nguyễn Thanh Mừng:
MẶC TRÚC VÀNG ĐỔ LÁ SUỐT TRĂM NĂM
Em cứ đi đi
như con sóc bông giã từ rừng trúc
đám cây triết nhân kia nào hiểu nổi mình

Em cứ đi nhẹ nhàng đừng ái ngại
người trai đa cảm và thông minh của em đã chết thật rồi
đã chết tựa dòng sông mùa hạ
còn dấu hằn trên mặt cát bỏng sôi

Em đừng nhắc cái thời người ấy sống
tay phàm trần người ấy hái đào tiên
người ấy yêu phóng cuồng và bụi bặm
rượu tràn bầu mây nước cũng lên men

Những ghen tuông, những lỗi lầm, tha thứ
với ngày mai rồi có nghĩa gì đâu
chỉ còn lại một hồi chuông cảnh báo
sống hết mình chưa dễ nhận ra nhau

Em cứ đi kiêu kỳ thời trinh nữ
mặc tóc bay vướng nát cả trăng rằm
mặc trái rụng mặc bãi bờ vật vã
mặc trúc vàng đổ lá suốt trăm năm
N.T.M


Về với biển




Một trưa lang thang cùng anh ruột