Thứ Hai, 30 tháng 4, 2007

Bình thơ: CHUỖI CƯỜM THI CA của Thanh Thảo

CHUỖI CƯỜM


Từ ô cửa sổ nhìn ra


Tôi thấy cô gái, ngôi nhà, cái cây


Ngôi nhà vôi gạch đang xây


Cô gái đang lớn, cái cây chưa già


Từ ô cửa sổ nhìn ra


Thời gian khi ấy mượt mà tóc xanh


Tôi hay nghĩ điều chưa thành


Những màu sắc lạ thoáng nhanh trong đầu


Tôi hay xâu chuỗi vào nhau


Những chữ rời rạc như xâu hạt cườm


Có khi dùng sợi chỉ thường


Có khi là một chuỗi cườm không dây


 


Nhìn ra từ cửa sổ này


Tôi thấy cô  gái, cái cây, ngôi nhà…


1984


THANH THẢO


(Tuyển tập thơ tình lục bát Việt Nam, NXB Văn hoá 1994)


Đọc bài thơ tưởng chừng như không có gì của Thanh Thảo, tôi bỗng có một ý nghĩ ngộ ngộ trong đầu: ông nhà thơ này quái lắm, định làm một trò ru-bic kiểu phôn-cờ-lo đây! Này nhé, ca dao chả đã có con kiến lòng vòng ư:


Con kiến mà leo cành đa


Leo phải cành cụt leo ra leo vào


Con kiến mà leo cành đào


Leo phải cành cụt leo vào leo ra…


Cái CHUỖI CƯỜM thơ của Thanh Thảo mở khép theo một kết cấu vòng lặp như vậy, nhưng không phải là cái vòng luẩn quẩn của chữ nghĩa hay chỉ đơn thuần tạo một xâu chuỗi hình ảnh, sự kiện cho phù hợp với tên gọi của bài thơ. Xét cho cùng, làm thơ là để trải những chiêm nghiệm của mình ra trướccuộc đời, chưng cất lại tất thảy những gì tai nghe, mắt thấy. Thanh Thảo có nói đến các chất liệu để kết dính bài thơ này của anh gồm: chỗ đứng từ ô cửa sổ, cô gái – ngôi nhà – cái cây và cái “tôi thấy” của anh. Và không như các thợ xây chuyên nghiệp hì hục trộn vữa để kết dính, anh tạo bài thơ theo cách của mình. Anh có phạm nguyên tắc làm thơ “mạch kỵ lộ” chăng? Ai lại huỵch toẹt ra một cách chẳng-có-gì-là-thơ như thế:


Tôi hay xâu chuỗi vào nhau


Những chữ rời rạc như xâu hạt cườm


Có khi dùng sợi chỉ thường


Có khi là một chuỗi cườm không dây


Nhưng tôi lại nghĩ anh đang phát biểu quan niệm của mình về thi ca, về công việc sáng tạo của mình. Đơn giản thế thôi! Ấy vậy mà có “kiêu” ngầm, vì xâu chuỗi ai cũng làm được, còn chuỗi cườm không dây thì…chỉ có thơ mới làm được. Thanh Thảo giấu đi một cụm từ anh rất ưa dùng trong cái chuỗi cườm không dây ấy, đó là hai chữ “bùng nổ”. Thanh Thảo hình dung sự bùng nổ thi ca như một bãi mìn, còn đám làm thơ trẻ lau nhau chúng tôi bây giờ thường ví von sức nổ bùng của nguyên tử, của hạch nhân và của tâm linh gì gì nữa. Nhưng xét cho cùng, bao giờ thơ cũng cần một sự bùng nổ, của cảm xúc, của suy tưởng và tối kỵ cái thứ nhàn nhạt không bản sắc. Trong bài thơ này của Thanh Thảo cũng thế, cô gái – ngôi nhà – cái cây là nguyên cớ để hình thành tứ cho nhà thơ. Cái tứ về con người - cuộc sống – thiên nhiên, cái tứ về thời gian luôn là một nỗi ám ảnh của các nhà thơ. Và Thanh Thảo còn đi xa hơn:


…Thời gian khi ấy mượt mà tóc xanh


Tôi hay nghĩ điều chưa thành


Những màu sắc lạ thoáng nhanh trong đầu


Phải chăng đó cũng là điều Thanh Thảo suy ngẫm từ “những điều trông thấy”? Những vẻ đẹp cuộc sống, dưới con mắt nhà thơ, bao giờ cũng lung linh hơn.  Chỉ cần  một “ô cửa sổ”  để nhìn ra cuộc sống, và lắng nghe, và cảm nhận. Có lẽ Thanh Thảo muốn đưa đến một thông điệp: đừng hững hờ với những gì xung quanh bạn, lúc ấy thơ sẽ đến, không cần phải màu mè.


Kết của bài thơ như một sự bỏ lửng, để người đọc tiếp tục những suy tư sau điều tôi thấy của nhà thơ. Riêng tôi, cứ vương vít mãi âm điệu lục bát để chuyển tải sự hiện hữu của thi ca giữa đời thường của nhà thơ. Sợi chỉ thường ấy đã xâu chuỗi thành bao hạt cườm lung linh màu sắc, dường như đó cũng là một chuỗi cườm không dây!


                                                                        1999 – 2007

                                                                                     Trần Hà Nam

KẺ TÌNH SI QUÊN THỜI ĐẠI

Nguyễn Thanh Mừng vốn là kẻ nặng lòng với những vẻ đẹp quá khứ. Trong một lần cầm viên gạch Chàm trên tay, khẽ gõ vào, anh chợt nghe vọng về câu chuyện của nàng công chúa Huyền Trân và vị vua anh hùng Chiêm quốc Chế Mân. Trong anh, cái ranh giới xưa – nay bỗng nhạt nhoà, cái tôi thi sĩ đã nhập vai vào tráng sĩ Đại Việt thuở nào:


ĐÁM CƯỚI HUYỀN TRÂN


Nghe đồn vua xứ Chà Bàn


Dâng miền Ô, Lý rước nàng vu qui


Tôi mang rượu đến biên thuỳ


Hắt lên mây trắng biệt li, cả cười


 


Thân không tấc đất cắm dùi


Bể sông thi phú, trăng trời phong sương


Cắn răng nhường bậc đế vương


Gươm cùn quẳng xuống vệ đường nhân duyên


 


Thôi nàng hãy tạm nguôi quên


Tôi chàng trai Việt còn trên đời này


Quyết thâu trăm họ về tay


Binh nhung ruổi chốn lưu đày tìm nhau


            (Tuyển tập thơ lục bát Việt Nam)


Bài thơ toàn những câu chữ cũ càng để làm sống dậy cái không khí cổ xưa. Nên khi đọc Đám cưới Huyền Trân, có lúc tôi ngỡ mình đang được tham dự vào một cuộc lên-đồng chữ-nghĩa. Gã họ Nguyễn làm thơ hoá thân để gửi gắm nàng Huyền Trân dăm lời nhắn nhủ mang khẩu khí Đông – A!


Nhưng dũng tướng đời Trần – Thanh Mừng lại mang tâm sự của một kẻ thua thiệt trên tình trường. Dù muốn k iêu bạc bao nhiêu đi chăng nữa, vẫn không tránh khỏi ngậm ngùi. Từ khi “đem rượu đến biên thuỳ” là đã chậm chân, đến lúc “gươm cùn quẳng xuống vệ đường nhân duyên” thì đã chán nản đến cùng cực. Lúc ấy chàng ta giống Nguyễn Bính của thời Thơ Mới:


Chua xót lòng tôi mơ ước mãi


Áo bào nguyệt bạch, ngựa kim ô


            (Một trời quan tái)


Ở nhân vật tôi mà Nguyễn Thanh Mừng nhập vào xác, tôi đoan chắc rằng không có một tí ti hồn của danh tướng Trần Khắc Chung của một thời đại lừng lẫy chiến công. Dù cho chàng ta cố cứng cỏi gương dậy bằng những lời lẽ như tự nhủ:


Thôi nàng hãy tạm nguôi quên


Tôi chàng trai Việt còn trên đời này


Quyết thâu trăm họ về tay


Binh nhung ruổi chốn lưu đày tìm nhau


Tôi chợt chạnh thương Huyền Trân công chúa! Giả sử nàng có một kẻ tình si như vậy, e rằng khi hắn đến tìm, nàng đã hoá thành tro bụi nơi hắn gọi là “chốn lưu đày” rồi! Mà như vậy, e rằng nàng thà làm ma hoàng hậu nước Chiêm còn hạnh phúc hơn!Thử ngẫm mà xem: Dương Quý Phi về tay Đường Minh Hoàng, người tình An Lộ Sơn lập tức dấy binh quyết không chịu “cắn răng nhường bậc đế vương”; Từ Hải cứu Kiều ra khỏi chốn lầu xanh nhơ nhớp đâu cần phải viện đến “binh nhung” nhưng đến lúc trả hận cho Kiều mới cho “ba quân chỉ ngọn cờ đào” rửa sạch oan khổ lưu li cho nàng. Thanh Mừng không học được người xưa nên đã đem vào bóng dáng người xưa cốt cách yếu đuối thi sĩ của mình. Thiết nghĩ, một kẻ có tâm hồn “bể sông thi phú, trăng trời phong sương”, có khí phách kiêu hùng “Tôi chàng trai Việt còn trên đời này” không nên chờ đợi như thế!


Cái đọng lại trong lòng người đọc lại là “đám cưới” và “Huyền Trân” Trớ trêu là chỗ ấy! Vua xứ Chà Bàn - kẻ tình địch đáng ghét kia mới thật si tình làm sao, hào hoa làm sao:


Dâng miền Ô, Lý rước nàng vu qui


Một câu thơ với hai chữ “dâng” và “rước” đã tái hiện cuộc “vu qui” của huyền Trân công chúa thật hoành tráng. Dù cho thân phận của nàng thật bạc bẽo khi được đưa ra làm vật đánh đổi thì giá trị của nàng đã được nâng lên hoàn toàn xứng đáng với hai châu Ô, Lý! Câu thơ đầy trân trọng này của Thanh Mừng thật sự đã tạo được tầm vóc của Huyền Trân công chúa trong lịch sử. Chính vì thế, người đọc cũng mỉm cười mà lượng thứ cho kẻ tự nhận là người tình của nàng để “tìm nhau”.


Bởi, ai nỡ trách một gã làm thơ thả hồn tìm “người trong mộng” của gần bảy trăm năm trước, để tôn vinh một nữ lưu của dân tộc đã đem về hai châu Ô, Lý và đã đi vào dã sử cùng mối tình với danh tướng Khắc Chung.


Công chúa Huyền Trân bỗng đẹp thêm trong mắt của kẻ tình si quên thời đại Nguyễn Thanh Mừng!


                                                                        7.1999 – 4.2007

                                                                        Trần Hà Nam

Thứ Bảy, 28 tháng 4, 2007

Thứ Tư, 25 tháng 4, 2007

Tiểu tử Tà


Ao hè nông choẹt nước lẫn bèo!
Cu Lương câu cá ngó bèo nhèo


Hắn là Trần Hữu Thiên Lương!
Update 4 new photos